Ninh Bình tổ chức cuộc thi bàn tay vàng thêu ren năm 2024 Ninh Bình: Nâng cao năng lực sản xuất nhờ khuyến công |
Theo số liệu từ Sở Công Thương Ninh Bình, kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 của tỉnh được phê duyệt hỗ trợ cho 29 đề án với kinh phí 5.488 triệu đồng.
Trong đó có 1 đề án đào tạo nghề; 2 đề án nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn; 13 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; 1 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 4 đề án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
6 tháng đầu năm, 20 đề án đã được thẩm định và cấp ứng 70% kinh phí hỗ trợ với số tiền tương ứng 1.784 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình (Trung tâm) đã hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đã đăng ký. 9 đề án còn lại, Trung tâm tiếp tục hướng dẫn xây dựng đề án để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định.
Thông qua các đề án khuyến công Sở Công Thương Ninh Bình hỗ trợ nhiều cơ sở phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Nhật Quang |
Dù chương trình khuyến công đang được đảm bảo tiến độ thực hiện, tuy nhiên địa phương cũng phản ánh còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
Về phía đối tượng thụ hưởng, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn chưa hiểu rõ về chính sách khuyến công và các nội dung của hoạt động khuyến công nên việc đăng ký nội dung hỗ trợ chưa bám sát với nội dung và định mức hỗ trợ.
Về phía cơ quan chuyên môn, công tác khảo sát, lựa chọn đăng ký kế hoạch khuyến công còn hạn chế dẫn đến một số đề án phải điều chỉnh dừng hoặc thay đổi nội dung.
Nguyên nhân của tình trạng này, lãnh đạo Sở Công Thương Ninh Bình nhận định, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hộ kinh doanh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nguồn lực tài chính còn hạn chế, cá biệt có một số cơ sở đến thời điểm thực hiện đề án do khó khăn về tài chính đã đề nghị dừng không thực hiện.
Một số cơ sở công nghiệp nông thôn quy mô hộ kinh doanh sản xuất nhỏ đề nghị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công để đầu tư máy móc thiết bị. Theo quy định, mức hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng kinh phí mua sắm máy móc thiết bị; các khoản chi hỗ trợ đầu tư trên 30% phải thực hiện đấu thầu mua sắm cạnh tranh. Với mức hỗ trợ này nhiều cơ sở có nhu cầu được hỗ trợ từ nguồn khuyến công nhưng không đủ nguồn tài chính đối ứng trên 70%, nếu muốn không thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị thì cơ sở chỉ được hỗ trợ dưới 30%. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở khi đăng ký tham gia chương trình khuyến công.
Với mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công được giao, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, Sở Công Thương Ninh Bình xác định, tập trung phối hợp với phòng Kinh tế/Kinh tế-Hạ tầng các huyện, thành phố và các đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công khẩn trương thực hiện đúng tiến độ đề án đã được phê duyệt.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trong việc thực hiện đề án, tháo gỡ khó khăn, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí khuyến công đúng mục đích, giải ngân kịp thời, thực hiện thanh quyết toán đúng quy định.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên phương tiện thông tin đại chúng giúp doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nắm được các chính sách của nhà nước về công tác khuyến công để cùng phối hợp tham gia.
Xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm với nguồn kinh phí lớn nhằm tạo sự bứt phá và có bước chuyển biến rõ rệt cho sự phát triển của ngành. Ngoài các hoạt động khuyến công theo đề án có hỗ trợ tài chính sẽ tăng cường hoạt động tư vấn khuyến công hỗ trợ phi tài chính cho cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.