Ninh Bình: Chỉ số công nghiệp tiếp tục giảm, dịch vụ du lịch phát triển
Theo báo cáo tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm 2023 của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp nên các doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, thậm chí còn bị hủy các đơn đặt hàng đã ký; cùng với đó chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí năng lượng, vận chuyển logistic tăng cao và biến động liên tục nhưng lại gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh do lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất lao động một số ngành công nghiệp đạt thấp, giá thành sản phẩm cao...
Chỉ số IIP giảm 2,69%
Hoạt động công nghiệp trong 9 tháng đầu năm phục hồi chậm, một số ngành công nghiệp trọng điểm của Ninh Bình có ghi nhận mức giảm sút so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng Chín ước tính giảm 8,04% so với cùng tháng năm 2022. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp IIP ghi nhận mức giảm.
Tính chung lại 9 tháng đầu năm 2023, IIP toàn tỉnh giảm 2,69%, trong đó: Khai khoáng tăng 10,11%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,85%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,06%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,69%.
Chỉ số IIP của Ninh Bình tiếp tục giảm sút. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, trong tháng 9/2023, một số sản phẩm công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ năm 2022 như: đá các loại tăng 32,6%; ngô ngọt đóng hộp tăng 91,8%; dứa đóng hộp tăng 83,9%; quần áo các loại tăng 13,2%; phân NPK tăng 32,7%, linh kiện điện tử tăng 88,7%; điện thương phẩm tăng 6,9%...
Bên cạnh đó, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: thức ăn gia súc giảm 32,7%; giày dép các loại giảm 10,7%; phân Ure giảm 28,8%; xi măng (kể cả clanke) giảm 8,4%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên giảm 36,4%; xe ô tô chở hàng giảm 26,9%; điện sản xuất giảm 53,9%;..
Trong đó, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sâu là: quần áo các loại 46,5 triệu cái, giảm 35,6%; giày dép các loại 42,6 triệu đôi, giảm 17,2%; xi măng (kể cả clanke) 5,2 triệu tấn, giảm 24,7%; modul camera 167,6 triệu cái, giảm 28,9%; tai nghe điện thoại di động 1,7 triệu cái, giảm 53,6%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 32,2 nghìn chiếc, giảm 14,0%; xe ô tô chở hàng 5,4 nghìn chiếc, giảm 33,9%..
Việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gặp khó khăn đã khiến một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan gấp 2,4 lần; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 77,76%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 24,96%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác gấp 2,3 lần; sản xuất thiết bị điện gấp 3,6 lần; sản xuất xe có động cơ tăng 58,69%;...
Du lịch- điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Mặc dù chỉ số IIP giảm sút, tuy nhiên khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Ninh Bình. Các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, hoạt động du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ, là đòn bẩy thúc đẩy các ngành dịch vụ khác cùng phát triển.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh trong tháng 9/2023 ước đạt gần 5.158,5 tỷ đồng, tăng 23,1% so với tháng 9/2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện gần 46.701,5 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tất cả các nhóm hàng đều có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó một số nhóm hàng có mức tăng cao so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm ước đạt 13.537,6 tỷ đồng, tăng 64,9%; hàng may mặc 3.238,9 tỷ đồng, tăng 51,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục 547,4 tỷ đồng, tăng 49,1%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 417,2 tỷ đồng, tăng 42,7%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 1.444,4 tỷ đồng, tăng 46,0%; hàng hóa khác 1.019,8 tỷ đồng, tăng 40,5%.
Du lịch tiếp tục trở thành điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế của Ninh Bình. Ảnh: DLNB |
Hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng và dịch vụ du lịch trong 9 tháng đạt được tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng vượt bậc.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống toàn tỉnh tháng 9/2023 ước đạt gần 659,6 tỷ đồng, tăng 13,3% so với tháng 9/2022; doanh thu từ hoạt động du lịch lữ hành ước đạt 7,8 tỷ đồng, gấp gần 5,0 lần; doanh thu từ một số ngành dịch vụ khác ước đạt 521,3 tỷ đồng, tăng 17,1%.
Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 6.098,4 tỷ đồng, tăng 62,9% so với thực hiện 9 tháng 2022; doanh thu du lịch lữ hành 48,1 tỷ đồng, gấp 5,4 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác 4.448,9 tỷ đồng, tăng 43,9%.