Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với EVN về Luật Điện lực sửa đổi EVN được Thủ tướng Chính phủ biểu dương về đầu tư công |
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2023, số lỗ sau thuế của Tập đoàn là hơn 26.770 tỉ đồng (tương đương hơn 1 tỉ USD). Năm 2022, EVN cũng lỗ 20.747 tỉ đồng. Như vậy, lũy kế 2 năm 2022-2023, EVN lỗ hơn 47.500 tỉ đồng (tương đương gần 2 tỉ USD).
Chia sẻ về tình hình tài chính tại một số diễn đàn gần đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, EVN lỗ thêm 13.000 tỷ đồng. Ước tính, khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6 của Tập đoàn đã tăng lên khoảng 60.000 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân khiến tình hình tài chính của EVN tiếp tục gặp khó khăn là do chi phí đầu vào tăng cao theo giá thị trường trong khi giá đầu ra chưa theo cơ chế thị trường (Nhà nước quản lý để đảm bảo yếu tố vĩ mô và an sinh xã hội).
Đơn cử, giá than nhập khẩu NewC Index năm 2023 ước tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Còn than pha trộn mua từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cũng có mức tăng rất cao so với năm 2021, ngưỡng từ 29-50%.
Giá khí năm qua cũng rất cao, do tiếp nhận nhiều khí Hải Thạch - Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng, bởi khí Nam Côn Sơn suy giảm sản lượng mạnh.
Những yếu tố trên khiến giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao - trong khi các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỉ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.
6 tháng đầu năm 2024, EVN bị lỗ 13.000 tỷ đồng (Ảnh EVN) |
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện nguồn điện của EVN chỉ chiếm 37,5%, số còn lại là của các tập đoàn năng lượng nhà nước khác như: PVN, TKV. Trên 50% nguồn điện là của khối tư nhân. Hiện chi phí mua điện lên tới 82%.
Chi phí sản xuất và mua điện cao nhưng giá bán điện bình quân lại thấp do chịu sự quản lý của nhà nước dẫn đến Tập đoàn bị lỗ dù đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí.
Trong năm 2023, giá điện bán lẻ tăng 2 lần 3% vào tháng 5-2023 và mức 4,5% vào tháng 11-2023. Tổng hai lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Hồi tháng 5, EVN đã được cấp cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng/lần so với 6 tháng/lần như trước đây. Tuy nhiên việc thực hiện điều chỉnh cũng không hề dễ dàng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu điện tăng cao, trong khi yêu cầu không được để thiếu điện nên EVN đã phải tích trữ nước tại các hồ thuỷ điện, hạn chế huy động từ nguồn giá rẻ này. Đồng thời phải huy động cao các nguồn điện giá cao như điện than, điện khí, năng lượng tái tạo.
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao, 6 tháng đầu năm, EVN đã phải sản xuất và nhập khẩu 151,74 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó huy động nguồn thuỷ điện, 28,63 tỷ kWh, chiếm 18,9%; Nhiệt điện than đạt 86,34 tỷ kWh, chiếm 56,9%; Tua bin khí 13,12 tỷ kWh, chiếm 8,6%; Năng lượng tái tạo 20,73 tỷ kWh, chiếm 13,7%; Nhập khẩu điện 2,56 tỷ kWh, chiếm 1,7%.
Bên cạnh đó, EVN tiếp tục cần nguồn vốn đầu tư cho các dự án lưới và nguồn điện với số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, EVN đã đầu tư nhiều dự án cấp điện cho miền núi, biên giới, hải đảo. Vốn đầu tư cao, giá bán điện bù lỗ, chắc chắn không có lợi nhuận.
Áp lực về tài chính của EVN càng tăng cao khi phải trả lãi ngân hàng, chênh lệch tỷ giá, áp lực về room tín dụng khi đầu tư các dự án điện…
Báo cáo những khó khăn của ngành điện với Uỷ ban Khoa học và Công nghệ mới đây, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay vẫn còn một số bất cập như nhiều thành phần hay bù chéo; giá điện vẫn chưa theo cơ chế thị trường... Vì vậy cần phải sớm sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và có thể đề cập ngay trong Luật Điện lực sửa đổi.