Những cựu chiến binh của Sư doàn 361 |
Đúng như Bác Hồ nhận định và cảnh báo, đế quốc Mỹ sẽ leo thang ra miền Bắc, sớm hay muộn sẽ dùng lực lượng B52 đánh vào Thủ đô. Quả vậy, tháng 12/1972, quân đội Mỹ gia tăng hoạt động trinh sát bằng đường không nhằm chuẩn bị cho bước phiêu lưu quân sự mới, dùng pháo đài bay B52 với quy mô lớn để đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác.
Địch dự kiến huy động một lực lượng không quân khổng lồ chưa bao giờ có, khoảng 50% máy bay chiến lược của Mỹ (khoảng 200 chiếc B52), toàn bộ máy bay chiến thuật hải quân và không quân ở Đông Nam Á gần 1.000 chiếc cùng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại và bom laze. Trong 12 ngày đêm (từ 18- 29/12/1972), có tới 48% máy bay B52; 31% máy bay chiến thuật của quân đội Mỹ đã được sử dụng.
Nhận định chính xác thủ đoạn của lực lượng không quân Mỹ, Bộ Tư lệnh sư đoàn 361 anh hùng đã chỉ đạo các đơn vị phòng không rất chu đáo, xác định nhiệm vụ chiến đấu, quyết tâm đập tan âm mưu dùng pháo đài bay B52 đánh vào Hà Nội. Những người lính phòng không Hà Nội đã vào trận với lòng tự tin cao.
Ngày 18/12/1972, mở đầu chiến dịch, khoảng 19 giờ, từ phía Tây Bắc Hà Nội phát hiện 3 tốp mục tiêu và khẳng định đó là B52 đánh vào sân bay Hòa Lạc, các tiểu đoàn tên lửa đã vào cuộc, những quả tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn D78 đánh thẳng vào đội hình B52 nhưng mới chỉ cản phá đường bay của địch. Đến 20 giờ 13 phút, tốp B52 từ phía Tam Đảo xuất hiện và đánh vào khu vực Đông Anh, Tiểu đoàn D59 đã nhanh chóng phát hiện và phóng tên lửa, tiêu diệt ngay mục tiêu, B52 đã bốc cháy và rơi tại cánh đồng thuộc Phủ Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là chiếc B52 đầu tiên của Mỹ bị tiêu diệt trong đêm mở đầu chiến dịch.
Tiếp đó, rạng sáng ngày 19/12, lúc 4 giờ 39 phút, Tiểu đoàn D77 đã phát hiện mục tiêu B52, kịp thời phóng đạn tiêu diệt ngay một chiếc B52 rơi tại Thanh Oai, Hà Tây. Ngày 19- 20/12, địch tiếp tục huy động 250 lần chiếc máy bay, trong đó có 87 lần chiếc B52 đánh vào Mễ Trì, Đông Anh… Hàng loạt quả tên lửa lại phóng lên và 2 pháo đài bay B52 lại bốc cháy sáng rực một vùng trời Hà Nội.
Tổng kết lại toàn chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, bộ đội tên lửa phòng không tham gia đánh 192 trận, tiêu diệt được 29 máy bay B52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ. |
Đêm 20, rạng sáng 21/12, Tiểu đoàn D93, Tiểu đoàn 78, Tiểu đoàn 77 đã ra quân, bắn rơi thêm nhiều B52.
Đặc biệt, Tiểu đoàn D57 sau đêm 18/12 đã ra quân, đánh 6 trận, phóng 11 quả tên lửa, nhưng vẫn chưa diệt được mục tiêu nào. Cả kíp chiến đấu rất sốt ruột, tìm nguyên nhân và rút kinh nghiệm. Tuy chưa đánh gục được chiếc B52 nào nhưng đó là những bài học quý giá. Vào trận mới, hôm đó, kíp chiến đấu có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên và kíp trắc thủ. Lúc này, đơn vị chỉ còn 3 quả tên lửa sẵn sàng trên bệ phóng, trong đó một quả bị trục trặc. Vậy mà trận đánh đã trở nên huyền thoại, nhớ đời. Lúc 5 giờ 9 phút ngày 21/12, với chỉ đạo tài tình và thông minh của Tiểu đoàn trưởng và sĩ quan điều khiển, kíp chiến đấu đã phóng 1 quả tên lửa hạ ngay 1 chiếc B52. Trận đánh tiếp tục, phát hiện rõ mục tiêu, nhưng chỉ còn duy nhất 1 quả tên lửa. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt nói với kíp chiến đấu: “Cố gắng, còn một quả đạn cuối cùng chúng ta phải đổi bằng một chiếc B52”. Giây phút lịch sử đã đến với Tiểu đoàn D57, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên ấn nút cho tên lửa rời bệ phóng, kíp chiến đấu bám sát, quả tên lửa điều khiển tốt và nổ ở cự ly 24 km, tín hiệu điện tử cùng với trắc thủ quang học đã xác nhận rõ thêm 1 chiếc B52 đang rơi tại khu vực Núi Đôi, lúc này là 5 giờ 19 phút. Chiến công nối tiếp chiến công, trong 10 phút, 2 quả tên lửa hạ gục 2 chiếc B52, trong đó một chiếc rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái.
Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, đêm 27, ngày 28/12, quân đội Việt Nam tập trung cao độ quyết liệt với các trận đánh, địch thất bại nặng nề, nhưng vẫn cố theo đuổi thêm vài ngày nữa. Lực lượng không quân Việt Nam hiệp đồng tác chiến cùng bộ đội phòng không. Phi công Phạm Tuân xuất kích từ sân bay Yên Bái, tiêu diệt ngay 1 máy bay B52 trên bầu trời Sơn La. Đến 12 giờ đêm, Tiểu đoàn D57 và Tiểu đoàn D94 đã đánh chặn đội hình địch và thêm 1 B52 bốc cháy. Sau đó, các Tiểu đoàn D71, D72, D76, D93 đã hiệp đồng chặt chẽ đánh chặn máy bay Mỹ từ hướng Tây Bắc vào Hà Nội và 1 chiếc B52 nữa bị bắn rơi xuống làng Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội…
Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên nhớ lại hồi tập huấn đánh B52, Tư lệnh Quân chủng Phòng không- không quân Lê Văn Tri đã kết luận và nhắc nhở: “Bộ đội tên lửa phòng không phải bắn rơi tại chỗ ít nhất 1 chiếc B52 để lấy đuôi của nó bổ sung vào bộ sưu tập xác máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc”.
Vậy mà, tổng kết lại toàn chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, bộ đội tên lửa phòng không tham gia đánh 192 trận, tiêu diệt được 29 máy bay B52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.
Cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, cuộc chiến tranh bằng phương tiện điện tử hiện đại nhất được gọi là “sức mạnh Hoa kỳ” đã hoàn toàn thất bại. Đến 7 giờ 30 phút ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních Xơn đã buộc phải ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra để gặp đại diện Chính phủ Việt Nam tại Pari bàn việc ký Hiệp định “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Ghi nhận những thành tích và chiến công to lớn của bộ đội phòng không Hà Nội, nhà nước đã tuyên dương Binh chủng tên lửa phòng không danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. 10 trung đoàn; 8 tiểu đoàn; Nhà máy A31… cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ đã được tuyên dương và phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, trong đó có Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (nguyên là Tiểu đoàn trưởng D57); Đại tá Nguyễn Đình Kiên (nguyên là sĩ quan điều khiển tên lửa của Tiểu đoàn D57…
Các cựu chiến binh thăm Bảo tàng phòng không không quân |