Dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội khóa XIV Khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV |
Sáng 24/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo vắn tắt một số hoạt động và chương trình công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 tại Phiên khai mạc Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo vắn tắt một số hoạt động và chương trình công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.
Cũng tại Phiên khai mạc Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên một số kết quả nổi bật trong công tác nhiệm kỳ 2016-2021, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh.
Thứ hai, về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong hoạt động đối nội, trong đó, đối với việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực lập pháp, Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp những ý kiến xác đáng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 02 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua; chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước kịp thời, đúng quy định, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, sớm đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống.
Đối với việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực hành pháp, qua thực tiễn các chuyến công tác cơ sở, thăm, làm việc với các ban, bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch nước đã tham gia ý kiến với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ lớn mà các nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của bộ máy hành pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Cùng với đó, Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền; trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn, gia nhập một số điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến biên giới quốc gia, hợp tác thương mại, đầu tư... được tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua...
Đối với lĩnh vực tư pháp, trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, mô hình tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương qua các thời kỳ, tham gia ý kiến về các văn bản, đề án có liên quan đến công tác cải cách tư pháp.
Ngoài ra, đối với thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương; làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đối với công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước luôn quan tâm, chăm lo công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong các chuyến công tác địa phương, cơ sở, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước luôn dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân; lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; Đồng thời, qua kiểm tra, tìm hiểu thực tiễn, Chủ tịch nước có ý kiến với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; góp ý, gợi mở nhiều vấn đề với các ban, bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ ba, về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong hoạt động đối ngoại, trên cương vị Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Với vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 của Việt Nam, Chủ tịch nước đã chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các nước, để lại dấu ấn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước đã có các hoạt động đối ngoại chủ động và phù hợp như: phát biểu ghi hình trực tuyến tại một số hội nghị quốc tế quan trọng, điện đàm với lãnh đạo một số nước lớn, láng giềng, một số nước có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Việt Nam, góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nước ta với các nước.
Thứ tư, về hoạt động của Phó Chủ tịch nước, thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật và theo sự phân công của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao, góp phần quan trọng vào kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch nước đã giúp Chủ tịch nước trong việc bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch nước đã thực hiện tốt chương trình công tác đối nội và đối ngoại, góp phần tích cực vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường hợp tác quốc tế. Phó Chủ tịch nước đã đảm nhiệm tốt các nhiệm vụ trong thời gian giữ Quyền Chủ tịch nước và các nhiệm vụ được Chủ tịch nước ủy nhiệm trong những năm gần đây.
Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm thời gian tới, như:
Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp; tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện các văn bản luật liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp.
Ba là, tham gia chỉ đạo công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bốn là, tập trung chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Năm là, quan tâm lãnh đạo và tổ chức, triển khai các phong trào Thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, gắn các phong trào Thi đua yêu nước với việc "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.