Những giải pháp lớn của Bộ Công Thương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19
Tin hoạt động 10/04/2020 16:14
Hỗ trợ người dân gặp khó khăn, khơi dậy tiềm năng trị trường trong nước
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, Bộ Công Thương quán triệt nghiêm túc, không chủ quan, lơ là, đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân, đảm bảo an toàn xã hội và ổn định, phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
“Bộ Công Thương đã tập trung các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tham gia hỗ trợ người dân gặp khó khăn và thực hiện nhiều nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nhất là công tác đảm bảo ổn định thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và đánh giá, những nhóm giải pháp quan trọng về tài khoá và tiền tệ của Chính phủ thời gian qua là rất kịp thời, rất có ý nghĩa và nếu triển khai thực hiện sớm sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong đời sống nhân dân, giúp ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội và giúp cộng đồng doanh nghiệp, người kinh doanh vượt qua khó khăn để chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế hậu dịch bệnh.
Cụ thể, theo số liệu cập nhật của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp đã giảm mạnh, cụ thể, Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm mạnh từ 49,0 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Đặc biệt, tác động của dịch COVID-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Trong khi đó, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng nhẹ, 5,8% nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017; 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt hàng thiết yếu khiến hoạt động tiêu thụ các mặt hàng gặp khó khăn. Bộ Công Thương ước tính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, dù tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019 song đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, nhóm du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh nhất, tương ứng là 27,8% và 9,6%. Các nhóm hàng hóa khác cũng có mức tăng thấp so với các năm trước, chỉ tăng từ 2,0-9,6%, đã kéo giảm tăng trưởng chung. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong khi đó 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8,3%).
Đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong ngành, giúp các doanh nghiệp vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh sau khi dịch bệnh kết thúc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trước hết với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp, điển hình như việc yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện cho khách hàng, gồm cả người dân và doanh nghiệp, song EVN vẫn phải cân đối nguồn lực, đảm bảo công tác huy động nguồn đáp ứng yêu cầu năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt.
Trong khi đó, với cộng đồng doanh nghiệp và người dân kinh doanh, từ đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu chuyển hàng hoá đang rất khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp, trước hết là tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, kể cả trong công nghiệp, dịch vụ, thương mại và các ngành khác vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Nhiều giải pháp để ổn định tâm lý, ổn định thị trường trong nước, đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá, nhất là nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm có chất lượng, đảm bảo số lượng với giá cả phù hợp cho người dân đã được triển khai” – Bộ trưởng nói và cho biết thêm, ngành Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước phát triển, kết nối cung – cầu. Cụ thể, Bộ Công Thương đã thưc hiện rà soát và có văn bản số 307/TTTN- HHDV ngày 23/3/2020 gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ giảm 50% mức thu phí và lệ phí cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rượu, thuốc lá, khí, xăng dầu, giao dịch hàng hóa và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đến hết ngày 30/12/2020. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời...
Bộ cũng đã chỉ đạo xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời gian tới sẽ xem xét để triển khai nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa.
Với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Cho rằng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song đây cũng là cơ hội để thực hiện tái cơ cấu, nhất là với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí...
“Đây sẽ là động lực, là cơ hội để ngành công nghiệp tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời thực hiện cơ cấu lại các ngành để phục vụ cho tăng trưởng và phát triển bền vững” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, kiến nghị của các địa phương nêu lên với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: hiện nhiều địa phương phản ánh đang gặp phó khăn trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là việc xác định sản phẩm hàng hoá nào là thiết yếu và thuộc diện bình ổn giá. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, trên cơ sở Luật giá, để xác định cụ thể những mặt hàng thiết yếu để có căn cứ hướng dẫn cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương nhằm thống nhất trong việc tổ chức thực hiện.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, vẫn còn một số địa phương chưa hoàn thành việc xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-đưa ra nên chưa thể thống nhất phương án cân đối, đảm bảo hàng hoá.
Đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do
Về nhóm giải pháp duy trì, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đảm bảo lưu chuyển hàng hoá, trên cơ sở số liệu cập nhật cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội biến “nguy thành cơ”. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực. Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 1,9% so với quý I/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục các giải pháp duy trì thị trường xuất nhập khẩu truyền thống, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới và tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương tại tự do để thâm nhập thị trường một cách hiệu quả |
Nêu các giải pháp khơi thông cho xuất khẩu, tìm kiếm thị trường thay thế cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiếp tục tìm kiếm, khai thác và phát triển các thị trường xuất khẩu mới.
Điển hình như với thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng cho biết, mặc dù còn có một số khó khăn mới phát sinh song Bộ Công Thương đã bám rất sát, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để tiếp tục thúc đẩy trong hoạt động thương mại, lưu chuyển hàng hoá qua biên giới. Theo đó, Bộ Công Thương đã và đang tập trung để xử lý các vấn đề vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thuỷ sản hiện đang ách tắc tại biên giới. Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục chủ động làm việc cùng với Đại sứ quán Trung Quốc, các Bộ, ngành của Trung Quốc và chính quyền của hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu với Trung Quốc.
Bộ Công Thương đề nghị các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hạn chế tập trung hàng hoá nông sản quá nhiều lên biên giới vào thời điểm này và phải bám sát, theo dõi những yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tránh thiệt hại không đáng có do hàng hoá bị hư hỏng.
“Trong tuần tới, chúng tôi sẽ cùng với đại sứ của Trung Quốc lên biên giới để khảo sát những vấn đề cụ thể, đồng thời sẽ điện đàm với Bộ trưởng Thương mại của Trung Quốc; Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ” – Bộ trưởng thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nhận định, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, như: EU, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Đông Á… vẫn là những thị trường rất tiềm năng và có cơ hội lớn cho Việt Nam trong quá trình khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu, do đó, bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong xuất, nhập khẩu hàng hoá tại các thị trường này, Bộ đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đa và song phương để đưa hàng hoá thâm nhập vào các thị trường quan trọng nói trên.
Bộ trưởng thông báo, Bộ Công Thương đã tạo nhóm liên kết (nhóm trên ứng dụng viber và zalo) các tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước nhằm kết nối, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước nhanh và hiệu quả nhất.