Tết Thanh minh năm 2023 là ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt của Tết Thanh minh Độc đáo Tết năm mới Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer |
Năm 2023, Tết Thanh minh sẽ rơi vào ngày 5/4 Dương lịch (15/2 Âm lịch), sau khi kết thúc tiết Xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4.
Tết Thanh minh là khoảng thời gian thời tiết ôn hòa, sáng sủa, không khí mát mẻ dễ chịu, vạn vật sinh sôi, tươi tốt. Đây cũng là thời điểm thích hợp để tưởng nhớ tổ tiên và người thân đã qua đời bằng việc sửa sang lại mộ phần.
Vào trước Tết Thanh minh một ngày, các gia đình thường chuẩn bị cho việc cúng mộ với nhang, đèn, bánh trái, hoa... và các đồ mặn. Trong ngày Thanh minh, mọi người mang theo xẻng, cuốc ra nghĩa trang để đắp lại mộ phần cho đầy đặn, rẫy bỏ cỏ dại và những cây bụi mọc trùm lên mộ, ngăn chặn rắn, chuột đào hang, làm tổ hoặc không cho trâu bò đến phá phách - xâm phạm tới nơi yên nghỉ người đã khuất.
Tết Thanh minh là phong tục tưởng nhớ người thân đã khuất |
Ngày nay, khi cuộc sống vật chất được cải thiện, phong tục tảo mộ trong lễ Thanh minh càng được coi trọng. Nhìn chung, nghi lễ Tết Thanh minh ở nước ta được thực hiện tùy theo vùng miền, tập quán văn hóa. Nhưng theo quan niệm được lưu truyền, có 1 số điều kiêng kỵ phải tránh; hoặc cần tuân thủ sau đây khi đi tảo mộ trong Tết Thanh minh.
Thứ nhất. Đùa giỡn, có ngôn từ không đúng mực: Khi đi tảo mộ, lời nói và việc làm phải hết sức thận trọng, không nên lớn tiếng, ồn ào. Nghĩa trang là nơi an nghỉ của người đã khuất; cho dù đã lễ xong, nếu chưa rời khỏi đó, cũng không được ầm ĩ.
Thứ 2. Không giẫm lên phần mộ của người khác. Ở các vùng nông thôn, một số bia mộ cũ sẽ được đặt gần nhau và các ngôi mộ thường được sắp xếp theo thâm niên của gia đình. Phải hết sức cẩn thận khi đi tảo mộ, không được bất cẩn giẫm lên mộ của người khác. Điều này là bất kính với người đã khuất.
Thứ 3. Tảo mộ, thờ cúng tổ tiên là một sự kiện trọng đại, nghi lễ cần phải được bắt đầu từ bối phận cao (người cao tuổi, trưởng họ, bậc lão thành trong gia đình, dòng họ...); người ít tuổi hơn, con cháu... không nên đứng trước mặt trưởng bối, hoặc thực hiện lễ bái trước trưởng bối.
Thứ 4. Theo quan niệm du nhập từ người Trung Hoa cổ, quả lê, quả đào không được xuất hiện trong mâm lễ cúng. Từ đồng âm của lê là “li", có nghĩa là tách biệt và chia tay. Đối với những người thân đã khuất, chúng ta thiên về cảm giác tưởng nhớ hơn là ý nghĩa của sự chia ly. Hình tượng quả đào gắn liền với sự trường thọ, do vậy loại quả này không phù hợp để lễ người đã khuất.
Thứ 5. Phụ nữ đang thai kỳ và người bệnh nặng, ốm yếu không nên đi tảo mộ.
Thứ 6. Khi đi tảo mộ cho người thân, nên lưu tâm thắp hương, hành lễ cả cho các mộ phần xung quanh đó.
Thứ 7. Nhổ sạch cỏ dại, phát quang cây bụi (nếu có) xung quanh mộ phần. Quan niệm cổ xưa cho rằng mộ phần người đã khuất luôn quang đãng, sáng đẹp sẽ mang lại may mắn cho thế hệ mai sau.