Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) Đề xuất 4 nhóm chính sách sửa đổi Luật Hóa chất |
Ngày 18/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến xây dựng Luật Hoá chất (sửa đổi). Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cho rằng: Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội gồm 11 chương và 95 điều, tăng 1 chương và 24 điều so với Luật Hoá chất năm 2007.
Ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Khát quát về tổng quan dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi), bà Nguyễn Thanh Loan – Trưởng phòng Phát triển công nghiệp hoá chất – Cục Hoá chất cho rằng: Nếu Luật Hoá chất năm 2007 có 3 nhóm quy định, bao gồm: Phát triển công nghiệp hoá chất; Quản lý hoá chất và An toàn hoá chất thì dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) theo yêu cầu Nghị quyết 95/NĐ-CP của Chính phủ gồm 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hoá chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Quản lý hoá chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hoá chất; Quản lý hoá chất nguy hiểm trong sản phẩm.
Như vậy, “dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) bổ sung thêm một chính sách hoàn toàn mới so với năm Luật Hoá chất 2007 là quản lý hoá chất nguy hiểm trong sản phẩm” – bà Nguyễn Thanh Loan nhấn mạnh.
Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008, là sự thể chế hoá, hiện thực và cụ thể hoá một cách nhanh chóng và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo đại diện Cục Hoá chất, Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Tuy nhiên, so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã ký kết gia nhập nhiều Hiệp định Thương mại tự do, tham gia thêm vào một số công ước, điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Cùng với quá trình thực thi dài, một số quy định trong Luật Hóa chất đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Luật Hoá chất (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Như vậy, sau 15 năm thi hành, việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết, nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia.
Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật. Trong đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì soạn thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 6/2024 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2024.
Ngay khi có Quyết định phân công nhiệm vụ của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 2/2/2024 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Trên cơ sở đó, ông Phùng Mạnh Ngọc cho rằng, ngày 12/3/2024, Bộ Công Thương đã chính thức đăng dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) số 2 trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi.
Bố cục Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) Chương I: Quy định chung, gồm 7 Điều (từ Điều 1 đến Điều 6) Chương II: Phát triển công nghiệp hoá chất, gồm 5 Điều (từ Điều 7 đến Điều 11) Chương III: Quản lý hoá chất trong vòng đời, gồm 4 mục, 34 Điều (từ Điều 12 đến Điều 45). Chương IV: Đăng ký và Cung cấp thông tin hoá chất và quảng cáo hoá chất, gồm 13 Điều (Điều 46 đến Điều 58). Chương V: Thực hiện cam kết quốc tế về quản lý hoá chất, gồm 2 Điều (Điều 59 và 60). Chương VI: Sản phẩm chứa hoá chất nguy hiểm, gồm 3 Điều (từ Điều 61 đến Điều 63). Chương VII: An toàn hoá chất, gồm 2 Mục, 14 Điều (từ Điều 64 đến Điều 77). Chương VIII: Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, gồm 5 Điều (từ Điều 78 đến Điều 82). Chương IX: Chế độ báo cáo, gồm 4 Điều (từ Điều 83 đến Điều 86). Chương X: Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hoá chất, gồm 7 Điều (từ Điều 87 đến Điều 93). Chương XI: Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều (Điều 94 và 95). |