Giá rửa xe tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường
Hôm nay, ngày 8/2 (tức 29 tháng Chạp) là ngày nghỉ đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đường phố Hà Nội đã vắng vẻ hơn ngày thường bởi hầu hết người lao động đã về quê đón Tết. Các hàng quán cũng đã đóng cửa nghỉ Tết. Tuy nhiên, ngay từ sáng sớm, các cửa hàng rửa xe, đặc biệt là rửa ô tô nhộn nhịp khách ra vào, giá rửa xe theo đó cũng tăng lên gấp 3 - 4 lần ngày thường.
Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên, khoảng một tuần trở lại đây, giá dịch vụ rửa xe đã rục rịch tăng hơn so với ngày thường. Nếu như ngày thường mỗi xe ô tô 4 chỗ có giá dao động từ 50.000 - 80.000 đồng thì nay đã tăng lên 180.000 - 200.000 đồng/xe; xe 7 chỗ từ 230.000 - 250.000 đồng/xe.
Giá rửa xe tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường |
Tại một cửa hàng rửa xe ô tô trên đường Thành Thái (Cầu Giấy), hàng chục nhân viên đang căng mình xịt rửa, hút bụi, vệ sinh xe cho khách. Cửa hàng này treo biển “28 Tết 150 - 170k”. Dù biết mức giá này quá cao so với bình thường nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận.
Anh Nguyễn Văn Công (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, những ngày trước thời tiết miền Bắc có mưa, gia đình anh cũng tất bật về quê lễ Tết nội ngoại nên đến ngày 29 Tết mới có thời gian đem xe ô tô đi rửa. Khi thấy bảng báo giá anh Hải cũng giật mình bởi giá này cao gần 3 - 4 lần ngày thường. “Giá cao khiến tôi hơi sốc, tuy nhiên cũng đành tặc lưỡi bởi ngày Tết ai cũng muốn du xuân với chiếc xe mới mẻ, sạch sẽ”, anh Công chia sẻ.
Theo chia sẻ của những cơ sở rửa xe, nguyên nhân chính khiến giá rửa xe ngày Tết tăng cao là do số lượng xe làm dịch vụ vào thời điểm này tăng đột biến, trong khi đó phần lớn nhân viên đã nghỉ về quê, chỉ ít người có quê gần thì ở lại làm. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các chủ tiệm phải thuê thêm nhân viên với giá khá cao, có khi gấp 2 - 3 lần ngày thường. Mặt khác, cũng có những cơ sở lợi dụng tâm lý tiêu dùng chung là những ngày giáp Tết, nhu cầu tăng cao thì giá cũng tăng theo.
“Giá tăng do chúng tôi phải thuê thêm người bên ngoài về làm để đáp ứng kịp thời gian và nhu cầu của khách hàng. Càng sát Tết, giá càng tăng”, một chủ tiệm rửa xe ở Cầu Giấy, Hà Nội giải thích.
Các nhân viên căng mình xịt rửa, hút bụi, vệ sinh xe cho khách |
Không chỉ giá dịch vụ rửa xe ô tô tăng giá mà giá rửa xe máy cũng tăng mạnh. Bình thường dịch vụ này có giá 10.000 - 15.000 đồng/xe, nhưng nay đã tăng lên từ 45.000 - 50.000 đồng/xe. Giá tăng nhưng lượng khách tại nhiều cửa hàng vẫn đông gấp 2 - 3 lần những ngày trước đó.
Dịch vụ làm đẹp tăng 20%
Ngoài làm sạch, dịch vụ làm đẹp cho chị em ngày cận Tết cũng “hốt bạc”. Tại nhiều cửa hàng tóc, spa làm đẹp những ngày cận Tết, lượng khách hàng đều tăng đột biến. Nhiều cơ sở làm đẹp mở cửa từ 3h sáng đến tận nửa đêm để phục vụ tối đa các “thượng đế”.
Những dịch vụ được lựa chọn nhiều như: Làm tóc, mi, móng, chăm sóc da mặt, … giá các dịch vụ dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/lượt hoặc liệu trình.
Theo chị Thuỳ Dương (chủ một tiệm làm tóc ở Hà Đông, Hà Nội), từ 6h30 chị bắt đầu làm việc, có hôm cả chủ và nhân viên còn không thời gian để ăn. Ngoài dịch vụ cắt, nhiều khách hàng nữ sẽ chọn thêm dịch vụ uốn, nhuộm màu hay dưỡng tóc. Tùy vào từng dịch vụ, giá dao động từ 500.000 - 5.000.000 đồng.
Tất bật hấp tóc, pha màu, gội đầu cho khách, chị Dương không còn thời gian để ăn. Khi khách đã vãn, ngẩng đầu lên đã 8h tối, chị Dương mới bắt đầu nghĩ đến ăn uống. “Chúng tôi thường làm đến khi nào hết khách thì mới ăn uống. Đôi khi tôi ăn trưa vào lúc... 19h”, chị Dương nói.
Với cường độ công việc lớn như vậy, thu nhập của chị Dương có thể tăng lên gấp ba ngày thường.
Dịch vụ làm tóc cho chị em ngày cận Tết “hốt bạc |
Tương tự anh Hùng Anh, chủ một salon tóc tại Đống Đa, Hà Nội cho biết, một tuần trở lại đây trung bình quán anh tiếp 50-60 lượt khách mỗi ngày, ngày cao điểm 70 khách. Do lượng khách quá đông nên anh và nhân viên phải hoạt động hết công suất từ sáng đến tối.
“Những ngày Tết lượng khách tăng đột biến, khách cứ yêu cầu giờ nào thì mình phục vụ giờ đó. Đỉnh điểm như ngày hôm qua là 11 giờ đêm mới xong việc, dự kiến phải chiều 30 Tết mới hết đông. Để phục vụ khách, lượng nhân viên quán hiện tại đã gấp đôi so với những tháng trước”, anh Hùng Anh nói.
Đặc biệt, càng sát Tết, giá dịch vụ làm đẹp càng được đẩy lên cao. Bình thường, giá gội đầu chỉ khoảng 35.000 đồng/lần, nhưng giáp Tết được đẩy lên tới 60.000 đồng/lần. Các dịch vụ cắt tóc, uốn, sấy… giá cũng tăng khoảng 20% so với bình thường. Để có được mái tóc ưng ý, mỗi khách hàng sẽ phải bỏ ra tiền triệu.
Có mặt tại một cửa hàng làm tóc từ 11 giờ trưa, chị Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, để được sử dụng dịch vụ, chị đã phải đặt lịch cắt từ tối hôm trước để hẹn cho ngày hôm nay. “Tôi là làm nhân viên kế toán cho một công ty nên cuối năm rất bận rộn, chỉ có thể đợi nghỉ Tết mới đi làm tóc. Năm nay, giá dịch vụ làm tóc cũng tăng lên đáng kể so với năm ngoái, tôi cắt tóc, uốn và nhuộm với giá 1,5 triệu đồng” chị Linh chia sẻ.
Ngoài các tiệm làm tóc “cháy hàng” trong dịp này thì các tiệm làm nail, mi của các chị em cũng đông không kém. Tại một cửa hàng làm nail ở Hai Bà Trưng, Hà Nội các thợ làm móng cho biết mỗi ngày trung bình làm khoảng 20 - 30 bộ móng. Cửa hàng phụ thu 20% dịp Tết, nâng giá dịch vụ trung bình lên khoảng 220.000 - 400.000 đồng/bộ. Dịp Tết, một thợ nail có thể mang về doanh thu trên dưới 5 triệu đồng/ngày cho cửa hàng.
Chị Quỳnh Chi, nhân viên tiệm trên chia sẻ từ ngày 25 Tết đổ lại, cửa hàng thường xuyên đóng cửa sau 12 giờ đêm, ngày thường chỉ 22h là đóng cửa. Việc làm đẹp này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác lại cúi đầu cả ngày nên chị hay bị đau cổ, mỏi mắt.
“Trưa 30 Tết mình mới về nhà nghỉ Tết, thu nhập tuần trước Tết bằng 2 - 3 tháng bình thường nên cố gắng, ra Tết nghỉ bù. Sau Tết dịch vụ nail, mi thường chậm khách hơn”, chị Chi chia sẻ.