“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” tưởng như sẽ ít thấy trong cơ chế thị trường. Song sau sự việc 3 cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ dập tắt đám cháy ở quận Cầu Giấy toả sáng văn hoá xả thân vì dân của chiến sĩ phòng cháy Thủ đô, đáng để chúng ta noi theo và rút ra nhiều bài học góp phần xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại.
Nỗi đau mất mát
Như đã biết, ngay sau khi nhận được thông tin vụ cháy (khoảng 13h ngày 1/8), tại quán karaoke số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội đã điều động Đội cảnh sát phòng chống chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy, Đội cảnh sát cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Đống Đa ngay lập tức đến hiện trường tổ chức tìm kiếm cứu nạn và chữa cháy; lãnh đạo Bộ Công an đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã dùng xe thang đưa lực lượng chữa cháy lên khu vực tầng thượng của ngôi nhà, tháo dỡ các bức tường ngăn để tiếp cận khu vực đám cháy ở bên trong, triển khai các biện pháp nghiệp vụ chữa cháy và đã cứu được 8 người.
Do đây là cơ sở kinh doanh Karaoke, có nhiều thiết bị, đồ vật dụng dễ bắt lửa nên đám cháy (chưa xác định rõ nguyên nhân chính xác) diễn ra rất lâu và để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Đặc biệt, có 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an TP Hà Nội gồm: đồng chí Đặng Anh Quân - Đội trưởng đội phòng cháy chữa cháy; đồng chí Đỗ Đức Việt, cán bộ phòng cháy chữa cháy và đồng chí Nguyễn Đình Phúc chiến sĩ nghĩa vụ đã anh dũng hy sinh.
Các chiến sĩ đã không quản thân mình lao vào đám cháy để tìm kiếm, cứu nạn người dân |
Sự ra đi của các anh để lại cho xã hội và mỗi chúng ta nhiều mất mát, sự tiếc thương. Bởi lẽ, trong số đó có những người như đồng chí Đặng Anh Quân còn có mẹ già, còn có vợ và những đứa con dại. Hay đồng chí Đỗ Đức Việt, Nguyễn Đình Phúc, ngoài gia đình, bạn bè, người thân, còn có cả tương lai ở phía trước.
Vâng, họ đã ra đi để lại nhiều điều dang dở trong cuộc sống đời thường và nhiệm vụ. Họ đã hy sinh thân xác, cuộc đời của mình để cho 8 sinh mạng, 8 cuộc đời khác được sống.
Cuộc sống ngoài kia vội vã, mọi thứ sẽ trôi đi, vụ việc rồi sẽ khép lại nhưng nỗi đau, niềm tiếc thương, day dứt đối với gia đình, người thân, đồng đội của họ vẫn còn đó và không gì khoả lấp được.
Những chiến binh thời bình
Hai ngày sau vụ cháy, nhóm phóng viên chúng tôi đã gặp gỡ và được nghe những chia sẻ, những tình cảm mà những người thày và cũng là đồng nghiệp tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy dành cho chiến sĩ Đỗ Đức Việt.
Đại uý Nguyễn Quốc Minh – Giáo viên chủ nhiệm của đồng chí Đỗ Đức Việt không dấu nổi xúc động và nghẹn ngào cho biết: Vào buổi chiều ngày 1/8 khi mà chúng tôi tiếp nhận được thông tin đồng chí Đỗ Đức Việt hiện đang học tập tại trường và do tôi trực tiếp quản lý đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ chữa cháy, cá nhân tôi cũng như các đồng chí học viên tập thể Lớp liên thông 12 E nơi đồng chí Việt đang học tập, cảm thấy bàng hoàng”.
“Đồng chí Việt không chỉ là học trò mà còn là người đồng đội của chúng tôi, đồng chí hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa lập gia đình, và cũng là một trong những cán bộ năng nổ nhiệt tình của tập thể Lớp liên thông 12 E nói riêng và của lực lượng phòng cháy chữa cháy công an quận Cầu Giấy, Công an TP Hà Nội nói chung”, Đại úy Minh đánh giá,“qua quá trình quản lý bồi dưỡng đối với đồng chí Việt thì tôi nhận thấy đồng chí Việt được các giáo viên giảng dạy đánh giá là có tinh thần học tập rất tốt, luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ của đơn vị tại Đội cháy chữa cháy quận Cầu Giấy giao và cố gắng, nỗ lực học tập tốt trong trường”.
“Đó là một trong những tấm gương tiêu biểu đối với lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng cháy chữa cháy nói riêng, với một tinh thần quên mình vì nhân dân phục vụ, đồng chí Việt đã lan tỏa đến tất cả các thế hệ trẻ trong lực lượng công an nhân dân, đồng chí Việt đã quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao dù phải đánh đổi cả tính mạng và sức khỏe của bản thân”, Đại úy Minh khẳng định.
Thượng tá Nguyễn Tiến Mạnh – Phó Trưởng phòng Quản lý học viên, Trường Đại học Phòng chữa cháy chia sẻ, chúng tôi thực sự đau sót trước sự ra đi của các đồng chí. Đồng chí Việt được các giáo viên đánh giá là một học viên rất ưu tú, đã từng làm cán bộ lớp, chịu khó học hỏi, học tập và có tình yêu thương đồng chí đồng đội và người dân. Đã có rất nhiều hình ảnh đồng chí giúp đỡ nhân dân trong những việc xảy ra ngoài xã hội.
Thượng tá Mạnh cũng khẳng định, đồng chí Việt đây là một gương tiêu biểu đã dũng cảm anh dũng hy song vì sự bình yên của tổ quốc, đây cũng là một thiệt thòi mất mát của gia đình và nhà trường cùng các đồng nghiệp, là tấm gương tiêu biểu để cho tất cả các học viên trong Trường Đại học cháy chữa cháy noi theo”.
Cũng theo Thượng tá Mạnh thì mỗi học viên khi bước vào ngành được xác định thực hiện nghiêm túc các lời thề “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì khi tổ quốc, Đảng, Nhân dân cần đến”. Ngay trong nhà trường đã có giáo dục truyền thống mỗi học viên tự chủ động rèn luyện cho mình bản lĩnh vì nhân dân phục vụ, với tinh thần cứu người, cứu tài sản và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
Nói về đồng chí Đặng Anh Quân, là một người thân xa Nhà báo Đăng Thái cho biết, Quân là người hiền lành, tử tế và luôn hết lòng vì công việc.
Anh viết về Quân trên trang cá nhân của mình khi biết tin dữ: “Năm 2004 hai đứa cưới nhau, sinh được 2 cậu con trai, đứa lớn học lớp 12, đứa bé học lớp 8.
Quân hiền lắm, cả họ ai cũng quý vì em là người biết quan tâm đến mọi người. Có năm đi trực, gần 11h đêm 30 Tết mới chạy về quê thăm bố mẹ vợ, thời gian dành cho công việc cháy chữa cháy là chính. Quân mồ côi bố từ nhỏ, một tay mẹ Quân bán trà đá ở ngõ 1194 đường Láng nuôi anh em Quân đi học, bà là người chịu thương chịu khó, anh em bên nội đều quý trọng… Cuộc sống của chiến sĩ, rồi lên lãnh đạo Đội cháy chữa cháy là cả quá trình phấn đấu bằng thực lực. Quân thương yêu anh em và sống rất giản dị, có đám cháy nào là Quân dẫn đầu dập lửa, cứu người”.
Vợ Quân vẫn nhắc nhở "Anh làm gì phải nghĩ đến vợ con nhé". Quân bảo "Cứu người là trách nhiệm của anh, mình làm thì anh em mới noi theo chứ".
Vân theo lời anh Thái: “Chiều qua, nghe tin em hy sinh khi dẫn quân đi dập lửa, cứu được 8 người, trước đó cũng dập một đám cháy khác cứu được 2 người, đau lòng quá.
Sáng nay qua nhà em, nhìn bàn thờ lập vội chưa phóng kịp di ảnh mà thương.
Em được thăng cấp từ Trung tá lên Thượng tá nhưng đã ra đi mãi mãi khi mẹ em đã già yếu, con đang tuổi dậy thì, còn vợ vẫn còn trẻ.
Đất nước, nhân dân ghi nhớ công ơn của em và những đồng đội”
Có lẽ đã và sẽ còn nhiều lời tiếc thương, chia sẻ mất mát trên hàng nghìn diễn đàn khác về sự ra đi của 3 cán bộ chiến sĩ cũng như những tấm gương dũng cảm khác. Bởi lẽ, cuộc sống đối với họ ngắn ngủi và vô thường. Nhưng sự ra đi ấy như một tấm gương về ý chí, về lòng quả cảm, sự lựa chọn củalực lượng cảnh sát nhân dân; về tinh thần trách nhiệm và sự tử tế, nhân văn.
Những bó hoa tươi thắm đã được đặt dưới chân tượng đài để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh, vì dân phục vụ |
Trên tượng đài chiến sĩ công an nhân dân mới được khánh thành ở Hà Nội, đã có những đoá hoa tươi, những bông hoa trắng, những giọt nước mắt của người dân đặt vội bày tỏ tiếc thương, tưởng nhớ, để tri ân 3 chiến sĩ và những người đã ngã xuống vì sự bình yên của Nhân dân, của xã hội và cao hơn cả là Tổ quốc. Những bông hoa của lòng người tử tế, của sự nhân văn vốn vẫn luôn nằm trong tâm thức người Hà Nội, của con dân đất Việt.
Bài học xây dựng Thủ đô an toàn, văn minh, hiện đại
Hiện các cơ quan điều tra đang nhanh chóng xác định nguyên nhân để xử lý nhưng có thể thấy những vụ cháy xảy ra đều bắt nguồn từ sự chủ quan, thiếu ý thức của các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong 6 tháng đầu năm cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; Thiệt hại về tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.
6 tháng qua còn chứng kiến xảy ra 1.778 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác; có 8 vụ nổ làm 8 người chết và 10 người bị thương.
Về địa bàn xảy ra cháy: Thành thị xảy ra 482 vụ (chiếm 56,84%); nông thôn xảy ra 366 vụ (chiếm 43,16%).
Trong số 545 vụ cháy đã điều tra rõ nguyên nhân, có 398 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 46,93%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 89 vụ (chiếm 10,5%); do sự cố kỹ thuật 25 vụ (chiếm 2,95%)...
Đáng chú ý, trong số 28 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người ( 38 người chết, 6 người bị thương) thì chủ yếu xảy ra tại nhà dân (24/28 vụ, chiếm 85,7%; trong đó 21 vụ xảy ra nhà ở đơn lẻ và 3 vụ xảy ra tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Tiến Mạnh, chúng tôi luôn xác định công tác cháy chữa cháy là nhiệm vụ chính trị, sống còn, người khác chạy ra còn lực lượng phòng cháy chữa cháy phải chạy vào và mỗi học viên đều xác định rõ cho mình nhiệm vụ và một lý tưởng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Bức phù điêu với lời căn dặn Lực lượng phòng cháy chữa cháy của Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đặt trước cổng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy |
Được đào tạo trong nhà trường các đồng chí tuổi đời mới 19-20 đều với khí thế và nhiệt huyết tuổi trẻ đều xác định được cho mình nhiệm vụ chính trị, cũng như đặt ra mục tiêu phấn đấu, đặc biệt những đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng luôn luôn xác định là một đảng viên phải đầu tàu gương mẫu, đi đầu trong tất cả các nhiệm vụ công việc.
“Qua sự hy sinh mất mát to lớn của 3 chiến sĩ vừa qua bản thân tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội để cho mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tổ chức nhận thức đầy đủ vê công tác phòng cháy chữa cháy cho bản thân mình, gia đình và xã hội”, Thượng tá Mạnh chia sẻ.
Để bớt đi những nỗi đau không chỉ riêng trong lực lượng phòng cháy chữa cháy, lực lượng công an và Nhân dân nói chung, Thượng tá Mạnh – Trường Đại học phòng cháy chữa cháy, mong rằng, mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh cần nâng cao ý thức hơn nữa về công tác phòng chống cháy nổ tại nơi ở, tại cơ quan đơn vị hay bất cứ nơi nào.
(Còn nữa)