Đường lên Tây Bắc có những đoạn đẹp như mơ |
Ấn tượng những cung đường
So với chục năm trước, đường đến với các tỉnh Tây Bắc hôm nay đã tốt hơn với nhiều khúc cua được nắn lại, đường rộng hơn, phẳng phiu hơn. Đặc biệt, bớt đi những chiếc xe khách “chuồng gà” kêu lọc xọc, 4 bề gió lùa. Xe khách lên Tây Bắc giờ đây phần lớn là xe chất lượng cao, điều hòa mát dịu, chạy hàng ngày. Song song với đó là những chuyến xe giường nằm chạy đêm, nhiều chiếc xe tân tiến có giá trị đầu tư lên tới 4 - 5 tỷ đồng… Thú thực, không phải tôi không có những sợ hãi, âu lo khi nghe tin tức về các vụ lật xe, cháy xe, xe lao xuống vực được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vì nhiệm vụ, tình cảm đối với bản, làng, với đồng bào nên tôi luôn tích cực “xách ba lô lên và đi” với rất nhiều hồ hởi.
Những chuyến xe khách hầu hết chỉ lên đến trung tâm thành phố, khá lắm là vào đến trung tâm huyện. Từ đây, muốn di chuyển vào xã, thôn, bản… tôi thường phối hợp với cơ sở để nhờ người đèo hoặc mượn xe máy cùng đồng nghiệp tăng bo vào. Lần đầu, ngồi sau xe máy cán bộ xã đi qua những con đường ven núi bé tí tẹo, dốc dựng đứng, tôi sợ hãi nhắm tịt mắt, tim đập thình thịch. Sau vài lần, những con đường khó trở nên thú vị với tôi, tôi đã có thể mở to mắt để ngắm những ruộng lúa trải dài, những đỉnh núi rập rờn mây trắng và hỏi chuyện cán bộ không ngớt để thu thập thông tin.
Thông thường, đường khó thường đi liền với nguy hiểm. Không dưới một lần, tôi cùng cô bạn đồng nghiệp ngã trầy gối khi chạy xe máy leo lên những con dốc vừa cao vừa gồ ghề. Đáng sợ nhất là lần đi vào xã Chế Tạo - xã xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái - để tìm hiểu về đời sống giáo viên cắm bản, tôi thót tim khi quay lại phía sau và nghe thấy tiếng đồng nghiệp gọi tên mình vang lên dưới vách sâu. Thì ra, xe của cán bộ xã Chế Tạo chở cô bạn bị trật bánh, cả 2 người và xe lăn xuống, may mà có lớp cây rừng dày che chắn, nên chỉ bị xây xát nhẹ. Vừa thương vừa lo cho đồng nghiệp, tôi vừa thấu hiểu hơn nỗi vất vả của giáo viên cắm bản. Về Hà Nội ngồi vào bàn viết, những con chữ theo đó cứ đong đầy bao cảm xúc, suy tư.
Gửi băn khoăn vào trang viết
Đã mấy năm trôi qua nhưng tôi còn nhớ in lần đi thực tế rừng thảo quả ở xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đường đi khi ấy có những đoạn không thể gọi là đường, bé xíu và lồi lõm những sống trâu nhưng đồng chí cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ vẫn kiên quyết: “Nhà báo cứ ngồi yên, đường xa lắm, đi bộ bao giờ mới tới”. Nói rồi anh vừa tăng ga, vừa dùng 2 chân đạp để đẩy xe về phía trước. Cuối cùng thì sau khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng đã đi hết chừng 4-5km để đến với rừng thảo quả trên đỉnh núi.
Tại đây, lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn những chùm thảo quả rực đỏ, lúc lỉu; được có cảm giác cay xè mắt vì khói từ các lò sấy thảo quả. Thảo quả khô có giá khá cao, nhưng đây là loại cây kén đất trồng (phải trồng ở trên cao, dưới những tán rừng râm mát) nên thu hoạch được 1kg thảo quả để mang về dưới chợ huyện bán, biết bao là nhọc nhằn. “Khổ quen rồi, không sao đâu, chỉ mong bán được giá để bõ cái công” - người đàn ông Mông nhỏ bé Chang A Páo bộc bạch nỗi lo khi nhắc đến việc tiêu thụ thảo quả phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Nỗi lo của anh Páo, cũng là nỗi lo của rất nhiều đồng bào mà tôi đã gặp, khi quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà không biết rồi mơ, mận, cam, xoài, táo mèo, thảo quả, ngô… của mình sẽ bán ở đâu, giá cả thế nào?
Đường về bản đa phần gập ghềnh và nguy hiểm |
Là phóng viên viết về thương mại miền núi nên những chuyến đi lên với vùng cao đã giúp tôi hiểu phần nào những băn khoăn của đồng bào. Với sự hỗ trợ của chính sách, sự nỗ lực của chính họ, năng suất chất lượng nông sản của bà con Tây Bắc đã tăng lên khá nhiều. Nhưng thực tế, đường vận chuyển xa xôi, khó khăn nên cây, con giống, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lên đến vùng cao đều “đội giá”, giá bán sản phẩm bấp bênh… Trong khi đó, người nông dân vẫn chưa tìm được cho nông sản của mình một địa chỉ tiêu thụ bền vững; những vụ thu hoạch, theo đó mang theo cả buồn- vui khó nói thành lời.
Về thành phố, đi đưa tin, viết bài tại các hội nghị lớn, nghe các đại biểu hứa, quyết tâm liên kết “bốn nhà” (nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp và nhà nông), trong lòng tôi lại đầy phấn chấn. Mong lắm chứ, mong cho những đề xuất, hứa hẹn kia sẽ trở thành sự thật; mong những người xây dựng, đề xuất chính sách có những chuyến thâm nhập, trải nghiệm thực tế để hiểu, người nông dân đang rất cần họ để có thể phát triển, để không còn phải quẩn quanh với sản xuất tự phát kiểu may - rủi.
Với người làm báo như tôi, sau những phút chuyện trò, chia sẻ cùng bà con dân tộc, bao suy tư cũng chỉ biết gửi vào trang viết…, hy vọng đóng góp tiếng nói nhỏ bé của mình với các cơ quan quản lý trong việc xây dựng cơ chế chính sách. Bởi lẽ, chỉ có những chính sách thiết thực, đi vào đời sống thì mới giúp đồng bào dân tộc có cơ hội thoát nghèo một cách bền vững.
Ngày mai tôi lại lên đường. Cảm ơn nghề báo đã cho tôi những chuyến đi, để tôi thấy yêu hơn đất nước rộng dài, để tôi biết trân trọng những cảm xúc, những con người, những số phận mà tôi đã gặp trên mỗi cuộc hành trình… |