![]() |
7 cái Tết gần nhất, nhân viên thu phí Dương Thị Quỳnh Trang đều đón giao thừa trong cabin trạm thu phí cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Dù vậy, Trang không cô đơn, bên cạnh cô luôn có 3 đồng nghiệp cùng kíp trực. Vắng xe, họ ra khỏi cabin để trao nhau lì xì và những lời chúc, rồi quay lại với công việc. “Những ca trực vắt năm luôn trôi qua rất lâu”, Quỳnh Trang, ca trưởng trạm thu phí Km104 cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn chia sẻ và cũng bộc bạch thêm: “Dù chỉ cách trạm thu phí 30 cây số, nhưng tôi thấy nhà mình vẫn ở rất xa mỗi khi giao thừa”. Làm nhân viên thu phí kể từ khi cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đi vào hoạt động, Quỳnh Trang cho biết công việc này đòi hỏi sự kỷ luật không kém những công nhân nơi công trường. Đông cũng như hè, nắng cũng như mưa, đều đặn mỗi khi báo thức điểm 4h30 sáng, Quỳnh Trang tất tả chuẩn bị bước vào ca làm. Công việc tại trạm thu phí không quá vất vả, nhưng môi trường làm việc tiếp xúc với nắng gió, bụi bặm và khói xe lâu ngày khiến nhiều chị em phải chấp nhận làn da sạm đen như một sự hy sinh cần thiết cho công việc. |
Còn tại trạm thu phí Km93+160 Quốc lộ 1, ca trưởng Nguyễn Thị Hiền cho biết, từ khi gia nhập Đèo Cả năm 2016 tới nay, cô đã quen với cảnh đón Tết xa nhà. Một ngày làm việc của nhân viên trạm thu phí chia làm 3 ca (sáng, chiều và đêm). Hết 6 ngày làm việc liên tục, chị Hiền lại có 2 ngày nghỉ. Đặc thù của công việc tại trạm thu phí yêu cầu chị Hiền phải trực vào những dịp lễ, Tết. Tuy vậy, chị vẫn tìm thấy niềm vui bên đồng nghiệp, nơi họ cùng các lãnh đạo công ty đón xuân qua những bữa ăn, chuyện trò sau ca trực. Chị Hiền trải lòng, những ngày giáp Tết, lưu lượng xe đi qua trạm rất lớn. Dù tất bật, nhưng cô cảm thấy tự hào khi bản thân cũng góp phần vào việc đảm bảo dòng xe thông suốt để hành khách có thể về nhà an toàn bên người thân. “Áp lực, nhưng công việc tại trạm thu phí cũng có những niềm vui giản dị. Chỉ đơn giản là những lời chúc đầu năm, hay vào các dịp lễ 8/3, 20/10 của các tài xế cũng khiến chị em chúng tôi an ủi phần nào", chị Hiền vui vẻ nói. |
Để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, người lao động, đặc biệt trong những ngày Tết, ông Tăng Quang Triều - Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, ban lãnh đạo Xí nghiệp luôn chủ động bố trí để cuộc sống của nhân viên ở đây đầy đủ nhất có thể, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần khích lệ người lao động làm việc xuyên lễ, Tết. “Bằng nhiều cách, chúng tôi động viên tinh thần anh chị em nỗ lực hơn trong công việc, đảm bảo hoạt động thu phí được diễn ra bình thường, thông suốt, an toàn và hiệu quả dịp Tết”, ông Triều nói. |
Cách cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn hơn 800 cây số, anh Nguyễn Bá Sỹ, đội trưởng đội cứu hộ Hầm Hải Vân cho biết, vào những dịp trực dịp lễ, bản thân anh và các đồng nghiệp luôn trong trạng thái “trực chiến”. Hầm Hải Vân ghi nhận trung bình 11.000 lượt phương tiện lưu thông mỗi ngày. Trước và sau các dịp lễ, con số này có thể tăng gấp hai lần. Kéo theo đó là nguy cơ xảy ra tai nạn và sự cố cháy nổ. Với tính cẩn trọng của một nhân viên cứu hộ, anh Sỹ rất kiệm lời khi chia sẻ về công tác quản lý. Thế nhưng khi được hỏi về công việc cứu hộ, anh kể với giọng điệu vô cùng hào hứng. “Quy trình xử lý một vụ hỏa hoạn phải tính theo từng giây, từng phút. Nếu quá 5 phút mà chưa kịp phản ứng, coi như xong”, anh Sỹ vừa nói, mắt vẫn dõi về phía màn hình điều hành. Theo anh Sỹ, làm công việc cứu hộ, việc bị dựng dậy giữa đêm dù không trong ca trực là chuyện hết sức bình thường. “Nhiều lúc vừa ngủ vừa nơm nớp sợ có sự cố trên tuyến”, anh bật cười khi nhớ lại thời mới làm đội trưởng đội cứu hộ. Gắn bó gần như trọn vẹn sự nghiệp với hầm đường bộ Hải Vân từ năm 2005, anh Sỹ từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau, từ nhân viên trạm thu phí đến hiện tại là điều hành đội cứu hộ. “Sau khi Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận quản lý hầm Hải Vân, quy trình an toàn được nâng cao hơn, cách tiếp cận công việc dễ hơn trước”, anh Sỹ chia sẻ. |
Sau vụ việc trên, anh Sỹ và các đồng nghiệp lại trải qua một cái Tết đáng nhớ không kém. Ngay đêm Mùng 1 Tết năm 2013, vào khoảng 1h sáng, một gia đình di chuyển bằng xe con băng qua hầm Hải Vân. “Họ về quê ăn Tết muộn, đến giữa hầm đột nhiên xe bốc khói rồi lửa bùng lên. Chúng tôi phát hiện rất nhanh rồi nhanh chóng có mặt nên không ai bị thương”, anh kể về sự cố “hú hồn” năm đó. Tuy vậy, chính những sự cố đó đã giúp anh Sỹ rèn luyện bản lĩnh và kỹ năng, để từ đó điều hành đội cứu hộ với sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao. Trong vai trò quản lý, người đàn ông gốc Đà Nẵng này không chỉ điều phối công tác cứu hộ mà còn lên kế hoạch và xây dựng kịch bản tập luyện hàng ngày cho đội ngũ hơn 60 người. Đó là thói quen và cũng là kỷ luật anh Sỹ duy trì cho anh em suốt nhiều năm. |
Ngoài tham gia ứng cứu các sự cố tai nạn tại hầm Hải Vân, một kỷ niệm khiến anh Sỹ cảm thấy tự hào và thân thuộc với danh xưng "người Đèo Cả". Năm 2023, một nhà máy tại Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế) xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng. Ngoài các lực lượng chức năng, đội cứu hộ của hầm Hải Vân cũng được huy động đến hiện trường. Sau khi đám cháy được kiểm soát, lãnh đạo nhà máy gửi lời cảm ơn anh Sỹ và các đồng nghiệp. “Bà chủ rơm rơm nước mắt nói nếu không nhờ anh em Đèo Cả, đơn hàng hơn 140 tỷ đồng của nhà máy coi như mất trắng. Tôi nhớ mãi ngày hôm ấy”, anh Sỹ kể. Nhìn lại chặng đường đã qua, đội trưởng đội cứu hộ Nguyễn Bá Sỹ cho biết, bản thân luôn nỗ lực góp phần đảm bảo an toàn của tài xế và hành khách đi qua hầm và “tuổi thọ” cho công trình hầm Hải Vân. Anh cũng trân trọng thời gian được gắn bó với các đồng nghiệp. “Làm đâu cũng phải nhiệt huyết và gắn bó với tập thể. Từ khi Tập đoàn tiếp quản, đời sống và quyền lợi của anh em được đảm bảo. Đó là điều tôi luôn nhắn nhủ anh em”, anh Sỹ chia sẻ. |
Xuất thân là “dân xây dựng”, anh Nguyễn Tuấn Mạnh, chỉ huy trưởng công trường gói thầu đường nối cảng Liên Chiểu cho biết, đã quen với cảnh ăn Tết nơi công trường kể từ khi tốt nghiệp đại học. Công việc chính của anh Mạnh là điều hành và giám sát thi công trên công trường, xử lý các vấn đề liên quan đến nhà thầu và mặt bằng. Hiện đội ngũ của anh Mạnh đảm nhận 15% khối lượng công việc dự án, với hai hạng mục chính là phụ trách cọc khoan nhồi và thân bệ trụ. Luôn giữ thói quen gọi điện cho vợ con vào mỗi tối, anh Mạnh cho biết, gia đình là hậu phương vững chắc nhất với “dân xây dựng”. "Những dịp lễ Tết, cảm giác nhớ nhà là không thể tránh khỏi!", anh mạnh chia sẻ. Tết ở công trường với anh Mạnh cũng không có những niềm vui đáng nhớ. Giữa ngổn ngang xi măng và sắt thép, anh em vẫn cố gắng chuẩn bị những thức quà Tết truyền thống như giò, nem, bánh chưng. Liên hoan nhanh, rồi mọi người lại bắt tay vào việc. “Anh em chúng tôi gói ghém niềm vui vào những khoảnh khắc quây quần với nhau”, anh Mạnh bồi hồi. Với anh Mạnh, niềm vui lớn nhất trong công việc là khi một hạng mục được hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt. Gói thầu nơi anh Mạnh đang thực hiện dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2026. “Chúng tôi đang nỗ lực cán mốc này, thậm chí anh em còn động viên nhau để hoàn thành trước tiến độ ấy chứ”, anh Mạnh hồ hởi kể, trên khuôn mặt sạm đen màu gió bụi công trường, đôi mắt anh ánh lên niềm lạc quan. |
Đỗ Nga Đồ họa: Hồng Thịnh |