Hé lộ nguyên nhân khiến Thủ tướng Thái Lan bị bãi nhiệm Thái Lan có Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam |
Ngày 16/8, ứng cử viên thủ tướng do liên minh cầm quyền Thái Lan đề cử - lãnh đạo đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) Paetongtarn Shinawatra giành được đủ sự ủng hộ trong Hạ viện - được bầu làm Thủ tướng mới của Thái Lan. Bà Paetongtarn (37 tuổi) không những trở thành nữ Thủ tướng thứ 2 mà còn là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan. Bà cũng là Thủ tướng thứ 4 của gia đình Thaksin.
Ứng cử viên duy nhất
Ngày 14/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin vì vi phạm các quy định liên quan của Hiến pháp khi đề cử người từng có tiền án làm bộ trưởng trong quá trình cải tổ nội các. Sau khi ông Srettha bị bãi nhiệm, Hạ viện Thái Lan thông báo tổ chức cuộc họp đặc biệt để bầu Thủ tướng mới.
Là đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, đảng Pheu Thai đã phát huy vai trò chủ đạo trong việc thành lập chính phủ mới. Ban đầu, đảng này đề cử nghị sĩ Chaikasem Nitisiri (75 tuổi) tranh chức thủ tướng, nhưng sau đó có thể do tình trạng sức khỏe và pháp lý của ông nên đã hủy bỏ đề cử. Bà Paetongtarn được “đẩy lên sân khấu”, bà cũng là ứng cử viên duy nhất được đề cử làm Thủ tướng và cuối cùng đắc cử với số phiếu cao.
Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: PRD |
Dư Hải Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thái Lan của Viện Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á thuộc Học viện Khoa học xã hội Vân Nam (Trung Quốc), cho rằng, việc bà Paetongtarn đắc cử làm nổi bật 2 vấn đề.
Thứ nhất, xét về tư cách đề cử, bà là ứng cử viên do liên minh cầm quyền gồm nhiều đảng của Thái Lan đề cử. Đây là kết quả của việc 11 đảng trong liên minh cầm quyền tìm cách cân bằng quyền lực và cạnh tranh với nhau. Một số nhà phân tích chỉ ra, theo quy định, tất cả các ứng cử viên Thủ tướng mà mỗi đảng đề cử trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan năm 2023 (khoảng 5 người) đều đủ tư cách tranh cử. Nhưng cuối cùng không phải tất cả những ứng cử viên này đều được đề cử, bởi các đảng có thể đã dàn xếp với nhau để đổi lấy các chức vụ trong nội các.
Thứ hai, chiến thắng của bà còn cho thấy tiến trình hòa giải chính trị giữa phe bảo thủ và phe Thaksin trong liên minh cầm quyền vẫn tiếp diễn ở một mức độ nhất định. Kể từ năm 2023, hai phe nêu trên đã “chia nhau chiếc bánh” trong liên minh cầm quyền. Việc ông Srettha bị bãi nhiệm cho thấy quá trình phân bổ lợi ích thiếu tính ổn định, nhưng việc bà Paetongtarn được bầu làm Thủ tướng có nghĩa là 2 phe vẫn đạt được sự nhất trí trong một số vấn đề có bất đồng thông qua các cuộc đàm phán.
Con đường gập ghềnh
Thời báo Hoàn Cầu dẫn bình luận của kênh truyền hình Channel NewsAsia (Singapore) cho hay, bà Paetongtarn sẽ phải đối diện với nhiều thách thức, có nguy cơ bị phản đối, giống như cha và cô của bà bị lật đổ trong một cuộc đảo chính, sau đó phải sống lưu vong ở nước ngoài để tránh bị vào tù.
Dư Hải Thu cho rằng, vấn đề mà bà Paetongtarn phải đối mặt trước tiên sau khi lên cầm quyền là ổn định tình hình chính trị, bao gồm duy trì sự cân bằng lợi ích trong liên minh cầm quyền và xử lý mối quan hệ giữa chính phủ và phe đối lập. Xét từ nội bộ liên minh cầm quyền, tiếng nói của đảng Pheu Thai ngày càng tăng, nhưng quá trình phân chia lợi ích chính trị sẽ trở nên phức tạp hơn.
Ông Thaksin và con gái Paetongtarn Shinawatra tại Bangkok, Thái Lan, ngày 18/8. Ảnh: AP |
Dư Hải Thu đánh giá: “Để có được sự ổn định chính trị ở Thái Lan như hiện nay, các bên đã thực hiện các giải pháp đơn giản, dễ thực hiện và ít tác động nhất đến các phe phái. Đó là chỉ thay đổi ứng cử viên thủ tướng và không thay đổi cục diện chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu các đảng phái khác có đưa ra yêu cầu mới trong thời gian tới và làm lung lay các cơ sở ổn định hiện tại hay không”.
Xét từ mối quan hệ giữa chính phủ và phe đối lập, đảng Tiến bước đã thành lập một đảng mới là đảng Nhân dân chỉ sau vài ngày bị giải tán và nhanh chóng lôi kéo được nhiều thành viên mới. Đây là thế lực chính trị không thể xem thường và có thể sẽ có tác động tương đối rõ rệt đến nền chính trị Thái Lan trong tương lai. Việc đảng Tiến bước bị giải tán khiến những người ủng hộ đảng này rất tức giận. Cộng thêm việc đại sứ 18 nước phương Tây ở Thái Lan lên tiếng ủng hộ đảng này, nhà cầm quyền cần phải đề phòng nguy cơ bùng phát của một làn sóng biểu tình mới ở nước này. Nếu sau này người dân cho rằng, bà Paetongtarn xử lý không thỏa đáng các vấn đề kinh tế và xã hội, thì không loại trừ khả năng họ sẽ sử dụng chính trị đường phố, đến khi đó đảng Nhân dân có thể đóng vai trò dẫn dắt.
Còn về việc bà Paetongtarn có thoát khỏi "số phận lận đận" giống như các cựu Thủ tướng trong gia đình hay không, Dư Hải Thu nhận định, từ Somchai, Yingluck đến Paetongtarn, họ đều được coi là người phát ngôn chính trị của ông Thaksin. Mặc dù ông Thaksin phải sống lưu vong ở nước ngoài trong nhiều năm nhưng ảnh hưởng của ông trên khắp Thái Lan vẫn còn tồn tại. Nếu các thế lực chính trị khác muốn giành được lợi ích chính trị từ đảng Pheu Thai, họ sẽ phải cân nhắc đến quyền lực của ông Thaksin.
Ngoài những thách thức chính trị, vực dậy nền kinh tế cũng là nhiệm vụ cấp bách mà bà Paetongtarn phải đối mặt. Gần 1 năm sau khi lên cầm quyền, ông Srettha không thể làm cho kinh tế Thái Lan ngừng trượt dốc và đầu tư tư nhân vẫn ảm đạm. Dự kiến tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2024 sẽ dao động trong khoảng 2,5-2,9%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm 5% mà đảng Pheu Thai đã cam kết trong nhiệm kỳ 4 năm. Đồng thời, những thay đổi về tình hình chính trị sẽ gây ra biến động trên thị trường chứng khoán nước này và cũng sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài giữ thái độ chờ đợi.
Theo Dư Hải Thu, bà Paetongtarn và ông Srettha đều thuộc đảng Pheu Thai, điều này có nghĩa là các chính sách kinh tế bao gồm cả "ví kỹ thuật số" nhiều khả năng sẽ tiếp tục được thực hiện, nhưng vẫn phải quan sát thêm sự phối hợp chính sách, năng lực thực thi và hiệu quả thực hiện.
Về chính sách đối ngoại, bà Paetongtarn được kỳ vọng sẽ phát huy truyền thống ngoại giao cân bằng và duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…