Hàng chục nghìn vỏ bình Petrovietnam Gas tập kết trái phép tại Đông Anh (Hà Nội) Gas Vạn Lộc có dấu hiệu tẩu tán tang vật |
Bất thường hàng nghìn vỏ bình gas tập kết trái phép
Mới đây, Công an huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) đã phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển vỏ bình gas trái phép, thu giữ hàng ngàn vỏ bình gas mang nhiều nhãn hiệu khác nhau. Các bình gas này được tập kết tại Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xuất nhập khẩu (XNK) Khí Gas hoá lỏng Vạn Lộc, có địa chỉ ở Lô CN4p - Khu công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện, kho chứa của công ty này đã đóng cửa. Lực lượng công an xã và nhân viên Công ty Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam túc trực để ngăn chặn, không cho Công ty Khí Gas Vạn Lộc tiếp tục chở những vỏ bình gas mang nhãn hiệu PetroVietnam GAS (PV Gas) ra ngoài.
Ngay sau đó, số bình gas này đã được cơ quan chức năng lập biên bản, thu giữ, xử lý theo quy định. Liên quan tới vụ Gas Vạn Lộc thu gom, tập kết bình gas trái phép, trước đó, đại diện Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam – chi nhánh Bắc Bộ cho hay, sau khi phát hiện một doanh nghiệp có địa chỉ tại xã Nguyên Khê "chiếm giữ trái phép" số lượng hàng chục ngàn vỏ bình LPG mang nhãn hiệu PV Gas. LPG đã gửi đơn tố giác đến Công an xã Nguyên Khê và Công an huyện Đông Anh.
Đồng thời khẳng định, công ty là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Khí Việt Nam cho phép sử dụng, quản lý, giám sát và sản xuất, chiết nạp, kinh doanh các sản phẩm bình gas mang nhãn hiệu PV Gas. Mặc dù không được PV Gas LPG cho phép sử dụng, quản lý, giám sát và sản xuất, chiết nạp, kinh doanh các sản phẩm bình gas mang nhãn hiệu PV Gas, nhưng thời gian qua, Công ty Khí Gas Vạn Lộc vẫn ngang nhiên làm việc đó.
Hàng chục nghìn vỏ bình Petrovietnam Gas tập kết trái phép tại Đông Anh (Hà Nội) |
Theo đại diện Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam – chi nhánh Bắc Bộ, việc làm này của Công ty Khí Gas Vạn Lộc đã vi phạm pháp luật, gian lận trong việc kinh doanh LPG, lừa dối cơ quan chức năng, khách hàng, người tiêu dùng; làm lũng đoạn, xáo trộn thị trường và mang lại tâm lý hoang mang cho hệ thống khách hàng của PV Gas LPG và gây thiệt hại đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên quan đến vụ việc này, Công ty CP Dầu khí EPIC cũng đã có đơn tố giác gửi Công an TP. Hà Nội và Công an huyện Đông Anh, về việc số lượng lớn vỏ bình khí hóa lỏng mang các nhãn hiệu của công ty này đưa ra thị trường nhưng không quay về chủ sở hữu.
Đại diện Công ty CP Dầu khí EPIC khẳng định, khẳng định không hề có thỏa thuận gì về việc trao đổi hoặc mua bán vỏ bình gas với công ty trên, do đó việc thu gom, chiếm giữ trái phép số vỏ bình gas của EPIC là có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh nên chúng tôi đã có đơn gửi các cơ quan chức năng.
Từ phát hiện của EPIC, đơn vị này cũng đã thông báo cho nhiều công ty khác cũng đang có vỏ bình ga được tập kết tại một doanh nghiệp tại Lô CN4, KCN Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh. Ngay sau đó, hàng loạt các đơn vị khác cũng đã có đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu xác minh làm rõ vụ việc này.
Theo đó, đại diện Công ty TNHH Dầu khí Quảng Trị sở hữu nhãn hàng GREEN PETROL GAS QTH cũng đã có đơn gửi công an đề nghị xác minh làm rõ vụ việc chiếm giữ vỏ bình ga trái phép. Theo đó, Công ty Dầu khí Quảng Trị cho biết đã phát hiện lượng rất lớn vỏ bình ga mang nhãn hiệu GREEN PETROL GAS QTH của công ty đưa ra thị trường nhưng không quay trở về chủ sở hữu.
Cạnh tranh thiếu lành mạnh
Thực tế, để kinh doanh gas, thương nhân phải đầu tư rất lớn vào bình gas và bình gas là phương tiện để bán gas, là tài sản lớn của các công ty kinh doanh LPG. Chủ sở hữu bình phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đóng thuế, phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chi phí quảng bá thương hiệu, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định…, song vấn đề quản lý bình LPG hiện nay hết sức khó khăn.
Lực lượng chức năng phân loại, xác minh các vỏ bình ga bị chiếm giữ |
Theo ông Trần Minh Loan - Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, hoạt động kinh doanh khí, gas hiện nay có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cùng những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại về kinh tế, về tài sản, về uy tín của doanh nghiệp khác.
Vụ việc chiếm đoạt vỏ bình LPG, sang chiết trái pháp luật, vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp có uy tín trong san chiết LPG... vẫn còn diễn ra công khai ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, cũng có một số đơn vị kinh doanh không đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh khi không đủ điều kiện. Hành vi này chính là biểu hiện của sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, vốn đã tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua tại nhiều địa bàn trong cả nước.
Điển hình, như tại Thanh Hóa, ngày 14/10/2021, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9, thuộc Cục QLTT Thanh Hóa đã phát hiện, bắt giữ và tịch thu tang vật, tạm giữ phương tiện đối với đối tượng Nguyễn Văn Tùng, trú tại xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn khi đang có hành vi vận chuyển 863 vỏ bình gas đã qua sử dụng mang các nhãn hiệu An Dương Petrol, Gas Đất Việt, ELF Gas, Green Petrol Gas QTH, Petrol Việt Nam Gas, Shell Gas, PM Gas… Tại thời điểm kiểm tra, ông Tùng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Hay vụ việc ngày 16/9/2021, Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phát hiện tại một kho hàng ở xã Sơn Diệm 750 vỏ bình gas LPG mang các nhãn hiệu Việt Thái Gas và Green Petrol Gas QTH không có hóa đơn chứng từ nên đã tạm giữ để xác minh, xử lý. Trước đó, tháng 5/2021 Công an huyện Can Lộc đã phát hiện và thu giữ 252 chai LPG của nhiều doanh nghiệp kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh, do 1 cá nhân tự thu mua. Công an huyện Can Lộc đã xử lý theo quy định và trả lại chai LPG cho các doanh nghiệp có quyền sở hữu số chai LPG nói trên.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam lý giải, sở dĩ những vụ việc này còn diễn ra một phần xuất phát từ những thiếu sót trong hệ thống pháp luật về kinh doanh LPG, khiến việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng này có những khó khăn, phức tạp. Do vậy, cần tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung để các quy định của pháp luật phù hợp nhất, ít vướng mắc nhất đối với thực tiễn sản xuất kinh doanh gas; ví dụ như việc quản lý nhà nước về quyền sở hữu nhãn hiệu của bình gas.