Để ngăn chặn kịp thời vấn nạn này, thời gian qua, cơ quan chức năng tại các "điểm nóng" đã quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong công tác điều tra và xử lý.
Ngay trong những ngày đầu năm, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 thuộc Cục QLTT Quảng Trị đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện và xử lý 4 vụ vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu do Thái Lan sản xuất với tổng số lượng 3.000 kg. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 28.000.000 đồng, xử phạt vi phạm hành chính 18.000.000 đồng.
Lực lượng quản lý thị trường thu giữ đường cát nhập lậu |
Hay mới đây, trên tuyến đường KT3 thuộc địa bàn xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, Long An, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Long An) đã phát hiện xe ôtô tải biển kiểm soát 66C-029.29 do đối tượng Trần Hoàng Tài, ngụ tại khu phố 3, thị trấn Vĩnh Hưng điều khiển, có hành vi vận chuyển 49 bao đường cát do nước ngoài sản xuất (loại 50kg/bao), tương đương 2.450kg. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc toàn bộ số đường cát trên và khai nhận mua vận chuyển về bến xe Tân Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp bán kiếm lời.
Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam cũng vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu 88 tấn đường mía tinh luyện Thái Lan nhập khẩu theo Điều 188 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam liên quan đến Công ty TNHH xuất nhập khẩu H.T.P.
Bên cạnh đó, một số vụ việc lớn như: Vụ án buôn lậu 170,45 tấn đường cát từ Campuchia về Việt Nam, có giá trị trên 3 tỷ đồng của Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Thúy Anh, Tân Châu, Tây Ninh; vụ phát hiện 150 tấn đường cát nhập lậu tập kết ở Hóc Môn và Bình Tân không có hóa đơn, chứng từ; phát hiện 16 tấn đường cát xuất xứ nước ngoài không có hóa đơn, chứng từ tại An Giang...
Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường.
Đồng thời, lực lượng QLTT các tỉnh ở "điểm nóng" tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận trương mại trên các lĩnh vực quản lý, đặc biệt trong công tác chống buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường cát nhập lậu nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới cửa khẩu (nhất là khu vực đường mòn, lối mở), thị trường nội địa để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát. |