Nhu cầu vốn đang dần tăng
Gần một tháng trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã liên tục cập nhật biểu lãi suất huy động mới, tăng nhiều ở các kỳ hạn trên 6 tháng và dưới 12 tháng, đồng thời có thêm “thưởng” lãi suất cho các khoản tiền gửi lớn.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB), vừa công bố điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi tăng tới 0,6%/năm, Cụ thể, đối với kỳ hạn từ 6-11 tháng, khách hàng có số tiền gửi dưới 2 tỷ đồng sẽ được hưởng lãi suất 7,4%/năm; từ 2 tỷ đồng – dưới 5 tỷ và từ 5 tỷ trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất lần lượt là 7,5%/năm và 7,6%/năm. Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất áp dụng cho số tiền gửi dưới 2 tỷ đồng là 7,6%/năm; từ 2 tỷ đồng – dưới 5 tỷ đồng là 7,7%/năm và từ 5 tỷ đồng trở lên là 7,8%/năm.
Nhu cầu vay vốn cuối năm lên cao nên các “nhà băng” đã tăng lãi suất huy động |
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới với kỳ hạn 6 tháng điều chỉnh lên 7%/năm, tăng 0,2%/năm so với tháng trước; Riêng với khách hàng vừa gửi tiết kiệm vừa mua bảo hiểm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng sẽ là 8,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức thông thường 7%/năm.
Trước đó, cuối tháng 10, Techcombank cũng tăng nhẹ 0,1 điểm% lãi suất ở một số kỳ hạn, với kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng dao động từ 4,8 - 5,2%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng là 6 - 6,2%/năm và cao nhất là 7,1%/năm cho các khoản tiền gửi trên 12 tháng.
Hay tại VPBank cũng đang áp dụng lãi suất huy động cao hơn một điểm phần trăm so với thời điểm tháng 10, đồng thời triển khai chương trình ngày vàng huy động để cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền từ 6 tháng đến 1 năm, mức cộng từ 0,3 cho đến 0,5% với lãi suất 6 tháng đến 11 tháng lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 7,6%/năm.
Thúc đẩy nguồn huy động vốn và hút khách đến gửi tiền là lý do được nhiều nhà băng nhắc tới khi được hỏi về nguyên nhân tăng lãi suất huy động
Thực tế, cuối quý IV và đầu quý I hàng năm luôn được xem là “tháng củ mật” của các ngân hàng trong việc huy động và thực hiện cho vay bởi đây là lúc các doanh nghiệp cần vốn nhiều nhất. Tổng giám đốc SHB – ông Nguyễn Văn Lê cho hay, nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm, không chỉ với doanh nghiệp, mà cả khách hàng cá nhân cũng muốn vay để mua nhà, xe, tiêu dùng...
Xu hướng tăng lãi suất huy động không chỉ có ở các ngân hàng thương mại mà trên thị trường liên ngân hàng cũng đang hiện rõ. Thông tin hoạt động ngân hàng trong tuần từ 12-16/11 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng có xu hướng biến động trái chiều ở các kỳ hạn chủ chốt: kỳ hạn qua đêm tăng 0,03% lên 4,79%/năm, kỳ hạn 1 tuần tăng 0,05%/năm lên mức 4,76%/năm, còn 1 tháng giảm nhẹ 0,02%/năm xuống mức 5,02%/năm. Ở tuần liên trước, lãi suất VND kỳ hạn qua đêm và 1 tuần giảm trong khi lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng.
Khó tăng lãi suất cho vay
Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhìn nhận, việc tăng lãi suất ở thời điểm này mang tính chu kỳ, bởi các ngân hàng đẩy mạnh hút tiền nhàn rỗi để sẵn sàng nguồn vốn cho vay đối với doanh nghiệp dịp đầu năm mới. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để ứng phó với việc đồng USD tăng giá, lạm phát từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt chính sách tiền tệ. Cùng với đó là việc siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40%. Do phần lớn nguồn vốn huy động của các ngân hàng là kỳ hạn ngắn, nên khi bị siết, các ngân hàng phải tăng huy động kỳ hạn dài để cân đối lại nguồn vốn.
Phân tích kỹ hơn về xu hướng lãi suất gần đây, Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, về khách quan, trên thế giới, Fed và một số ngân hàng trung ương tăng lãi suất khiến cho mặt bằng lãi suất USD tăng lên; về chủ quan, các ngân hàng tăng do phải tăng cường huy động vốn đáp ứng nhu cầu thời vụ giai đoạn cuối năm thường tăng cao hơn, đồng thời đáp ứng yêu cầu của Thông tư 16/2018/TT-NHNN về sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng bắt đầu phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2 đáp ứng yêu cầu an toàn vốn cũng như chuẩn mực Basel II trong thời gian tới.
Điều đáng nói là với diễn biến tăng lãi suất huy động trên thị trường hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện các ngân hàng đều chung một quan điểm: sẽ khó tăng lãi suất cho vay. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần: sẽ có mốt số giải pháp đưa ra để “co kéo” đầu vào- đầu ra của nguồn vốn cho đảm bảo an toàn và không bị hụt lợi nhuận. Đồng quan diểm này, TS. Cấn Văn Lực nhận định, về cơ bản lãi suất đầu ra khó có thể tăng vì Chính phủ chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước quyết tâm cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm. Mặt khác, khi ngân hàng tăng lãi suất đầu ra đương nhiên là DN sẽ có phản ứng. Do đó, các ngân hàng phải có những giải pháp thay thế để bù đắp khoản thiếu hụt này thay vì tăng lãi suất đầu ra.