Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị khẩn để 'cứu' ngành chăn nuôi Giá heo hơi hôm nay 21/3: Tăng – giảm 1.000 đồng/kg |
Ngày 21/3, giá heo hơi trên cả nước dao động trong khoảng 47.000 - 51.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, heo hơi đang giảm 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 40 - 45% so với cùng kỳ năm 2020, 2021.
Giá heo hơi xuống thấp, chi phí ăn hết lợi nhuận của doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá heo xuất chuồng đang rất thấp, có nơi đã về 45.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất lên tới 54.000 - 55.000 đồng/kg.
"Mỗi con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi phải đóng chuồng trong thời gian tới vì thua lỗ triền miên, càng làm càng lỗ. Nhiều người chăn nuôi không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi”, ông Nguyễn Trí Công nói.
Ông Nguyễn Văn Trọng – Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhận định: “Trong giai đoạn gần đây, giá xuống rất sâu, chăn nuôi lỗ nhiều. Với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi thì đỡ lỗ hơn vì giá thành là 50.000 – 52.000, còn nông hộ 54.000 – 60.000, trong khi giá bán chỉ 45.000 – 48.000 đồng/kg”, ông Nguyễn Văn Trọng chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, hiện đàn heo đang duy trì trên 28 triệu con, đàn nái duy trì 2,9 triệu con. Tết Nguyên đán vừa qua, đáng lẽ nhu cầu tăng nhưng vừa rồi không tăng. Nguyên nhân do thu nhập người dân thấp, sức mua giảm. Như Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam mỗi ngày bán ra 15.000 – 17.000 con, nhưng vẫn tồn.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - cho biết, giá heo hơi xuống thấp không phải do lượng cung thừa mà nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế, người dân tiết giảm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm mạnh, việc này đã tác động tiêu cực tới việc tiêu thụ thịt heo.
Với giá heo hơi 47.000 – 49.000 đồng/kg thì người chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn thua lỗ, còn các trang trại khép kín thì có lãi không đáng kể. Nhưng do đây là ngành kinh tế nên phải chấp nhận việc phụ thuộc vào giá cả, quy luật thị trường.
Trong cuộc gỡ với nhà đầu tư hồi tháng 2/2023, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL - chia sẻ, kế hoạch xuất chuồng 1 triệu con heo năm 2023 không thực hiện được vì giá giảm và thiếu nguồn vốn. Doanh nghiệp đã vận dụng nhiều cách để thực hiện mục tiêu như lấy từ lợi nhuận 2022 và hiện đang có 10 cụm chuồng, nếu đủ công suất thì nuôi được khoảng 600.000 con heo.
Trước việc giá heo hơi xuống thấp, người nông dân không mặn mà tái đàn, các chuyên gia lo ngại nguy cơ khủng hoảng thiếu và giá heo hơi sẽ tăng đột biến từ khoảng tháng 8 đến hết năm 2023.
Để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi, trước đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đề đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng để người chăn nuôi tái đàn.
Về phía người chăn nuôi cần phải đầu tư trang trại quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, đồng thời kết nối các chuỗi chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn.
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Trí Công đề xuất Nhà nước tính tới giải pháp “đặt hàng” các cơ sở chăn nuôi dự trữ vật nuôi, từ vài vạn tới vài chục vạn con heo để chủ động trước các tình huống như giá thịt hơi giảm, người chăn nuôi bỏ chuồng, không chăn nuôi làm giảm nguồn cung ra thị trường, từ đó gây biến động chỉ số CPI quốc gia.
“Nếu làm được điều này, Nhà nước sẽ không phải lo kho bãi dự trữ, trong khi Việt Nam chưa xây dựng hệ thống kho bãi dự trữ nguồn thực phẩm”, ông Nguyễn Trí Công nói.