Báo Công Thương đạt giải Nhì Giải Báo chí viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Quảng Nam 103 tác phẩm góp mặt tại chung khảo giải báo chí phòng, chống tham nhũng |
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2023).
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan đã tổ chức Giải báo chí có ý nghĩa này; biểu dương, chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của 54 tác phẩm xuất sắc nhất được tôn vinh tại Lễ trao giải.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường hơn nữa vai trò xung kích, tiên phong của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động đúng định hướng, tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại diện nhóm tác giả Báo Công Thương nhận giải C với loạt bài 5 kỳ: “Bóng ma" hoá đơn đỏ và những bàn tay đen |
Theo đánh giá của Ban tổ chức, nhìn chung các tác phẩm tham dự Giải năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua những đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại.
Phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến các địa phương, các tác phẩm dự giải là kết tinh thành quả lao động miệt mài của các nhà báo, vượt lên mọi khó khăn, áp lực, thậm chí nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp để có được các tác phẩm báo chí mang tính chiến đấu cao, tính nhân văn sâu sắc.
Đại diện nhóm tác giả Báo Công Thương nhận giải Khuyến khích |
Điểm mới của giải lần này là đã có nhiều hơn các tác phẩm viết về đề tài phòng, chống tiêu cực được Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức giải đánh giá cao; đồng thời cũng có thêm những tác phẩm về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương dũng cảm trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, có tác động lan tỏa trong xã hội.
Với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, 10 giải B, 12 giải C và 28 giải Khuyến khích. Trong đó, nhóm tác giả Trần Ngọc Tiến, Đỗ Thị Nga, Tạ Thị Thu Trang của Báo Công Thương đã vinh dự nhận giải Khuyến khích với loạt bài 3 kỳ: “Hàng loạt quan chức hầu toà vì quà biếu nghĩ về 15 điều đảng viên không được làm”.
Nhóm tác giả của Báo Công Thương gồm: Hoàng Quốc Hải và Nguyễn Sĩ Cường cũng đoạt giải C với loạt bài 5 kỳ: “Bóng ma" hoá đơn đỏ và những bàn tay đen (loạt bài được nhóm phóng viên thực hiện khi còn công tác tại Báo Công lý).
Đại diện các tác giả và nhóm tác giả nhận giải thưởng tại Lễ trao giải |
Chia sẻ cảm nghĩ về lý do thực hiện loạt bài “Bóng ma" hóa đơn đỏ và những bàn tay đen, tác giả Hoàng Quốc Hải bày tỏ: “Thời gian qua, mặc dù ngành thuế đã có rất nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, mua bán hóa đơn để trốn thuế, hoàn thuế, kiếm lời bất chính, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, song thực trạng này vẫn diễn biến phức tạp.
Xuất phát từ thực trạng trên, nhóm phóng viên đã mở đợt thâm nhập, điều tra dài ngày, từ đó phát hiện ra một đường dây mua bán hóa đơn cực lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Để có thể thu thập thông tin, chứng cứ phạm tội của ổ nhóm này, nhóm phóng viên đã bỏ thời gian nhiều tháng, vào vai doanh nghiệp, shipper để tìm hiểu về thân thế, theo dõi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng. Sau khi có đủ bằng chứng và cơ sở xác định dấu hiệu phạm tội, nhóm phóng viên đã báo cáo lãnh đạo báo phối hợp với Công an TP. Hà Nội để đấu tranh triệt phá. Kết quả, đã có 14 đối tượng bị khởi tố, bắt giữ".
Đồng thời, loạt bài cũng đã khắc họa bức tranh toàn cảnh và tình trạng buôn bán hóa đơn đỏ; nỗ lực của ngành thuế trong cuộc chiến chống tham nhũng với “bóng ma” hóa đơn đỏ; lỗ hổng trong công tác quản lý, chế tài chưa đủ mạnh để xử lý các đối tượng phạm tội, từ đó phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn loại hình tội phạm nguy hiểm này.
Hai nhóm tác giả đoạt giải C và giải Khuyến khích của Báo Công Thương |
Đại diện 2 nhóm tác giả đoạt giải, tác giả Nguyễn Sĩ Cường bày tỏ: "Thay mặt 2 nhóm tác giả của báo vinh dự đoạt giải thưởng của ngày hôm nay, tôi xin được gửi lời cảm ơn tới Đảng ủy, Lãnh đạo Báo Công Thương đã có những định hướng, dẫn dắt kịp thời bám sát các diễn biến từ đời sống kinh tế - chính trị - xã hội trong quá trình chúng tôi thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, nhờ sự định hướng trong việc bám sát tính thời sự từ "đại án" Việt Á và một loạt đại án khác đã giúp nhóm tác giả tổng kết, nhìn nhận lại những vấn đề nổi cộm trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, từ đó góp tiếng nói của Báo Công Thương vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng".
Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. |