Bình Thuận: Quản lý thị trường phát hiện 227 vụ vi phạm Bình Thuận: Bình ổn giá, tăng cường kiểm soát thị trường Quản lý thị trường Bình Thuận sẽ kiểm tra 22 doanh nghiệp |
Khu vực công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt trong GRDP
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, năm 2024, ngành Công Thương tỉnh đã có nhiều nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế. Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, ngành đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành cơ bản đạt yêu cầu về tiến độ và chất lượng.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của tỉnh ước tăng 7,25%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 11,7%, trong đó công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt trong GRDP của tỉnh với mức tăng 10,94% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 31,29% trong cơ cấu kinh tế GRDP của tỉnh. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 10,97% so với năm 2023.
![]() |
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 của Bình Thuận ước tăng 10,97%. Ảnh: Hoàng Dương |
Hoạt động thương mại nội địa duy trì ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các vùng, miền trong tỉnh, giá cả các mặt hàng thiết yếu khá bình ổn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; thị trường không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2024 đạt 110.500 tỷ đồng, đạt 103,42% kế hoạch, tăng 15,72% so với năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 71.000 tỷ đồng, đạt 104,26% kế hoạch, tăng 15,46% so với năm 2023.
Trong năm, ngành đã hỗ trợ 47 cơ sở có sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”. Đến nay, đã có 179 sản phẩm của các cơ sở được tạo mã QR. Hỗ trợ đưa danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh lên Sàn thương mại điện tử Bình Thuận; hiện đã có 89 doanh nghiệp, cơ sở tham gia với 237 sản phẩm, trong đó có 18 sản phẩm tham gia kết nối với Sàn việt.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận ước đạt hơn 1 tỷ USD, đạt 100,05% kế hoạch, tăng 12,24% so với năm 2023. Trong đó: xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 791,3 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 11,26% so với năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, đạt 109,3% kế hoạch, tăng 14,86% so với năm 2023. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên, vật liệu phục vụ may mặc, da giày, chế biến thức ăn gia súc…
Năm nhóm giải pháp thúc đẩy ngành phát triển
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, năm 2025, đơn vị sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp trên lĩnh vực ngành góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện các Kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia, Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương.
Phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai chuỗi dự án khí - điện Sơn Mỹ (Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Kho cảng LNG Sơn Mỹ) và công trình trọng điểm về năng lượng và dầu khí. Nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, phối hợp trong công tác xây dựng hệ thống hạ tầng công nghiệp hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Tân Bình 1, Nghị Đức, Thắng Hải 1, 2, 3 để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Phối hợp tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.
Ngoài ra, tiếp tục làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành và địa phương đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong triển khai xây dựng các công trình nhà máy điện, chuẩn bị hồ sơ thủ tục đầu tư, triển khai thi công các công trình đường dây 220 kV, 110 kV. Triển khai thực hiện việc tiết giảm, tiết kiệm điện; sản lượng điện tiết kiệm, tiết giảm năm 2025 đạt 58 triệu kWh.
Đồng thời, triển khai chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Lễ, Tết. Theo dõi diễn biến thị trường hàng hóa. Triển khai chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành Công Thương; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử và các nền tảng số để phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, phát huy hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử Bình Thuận và các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
“Năm 2025, ngành Công Thương Bình Thuận sẽ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu như về chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so thực hiện năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa phấn đấu đạt 79.900 tỷ đồng, tăng 12,54% so năm 2024 và tham gia xuất khẩu hàng hóa với tổng kim ngạch đạt 870,4 triệu USD, tăng 10% so năm 2024”, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho biết thêm.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 15 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng đã và đang triển khai đầu tư. Trong năm 2024, thu hút được 5 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư 3.202,03 tỷ đồng, tổng diện tích 42 ha. Đến nay, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút, bố trí hơn 177 dự án đầu tư với tổng diện tích 300,98 ha, chiếm 39,7% diện tích đất công nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng trên 13.000 lao động tại địa phương. |