Bộ Công Thương: Kết nối doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng nội địa |
Tiêu dùng nội địa tăng thúc đẩy lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp
Kinh tế Việt Nam trong quý II/2022 đã tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng hàng quý nhanh nhất trong hơn một thập kỷ nhờ tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ.
“Tăng trưởng GDP quý II vượt bậc thúc đẩy chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6,5% lên 7,5%, mặc dù chúng tôi tin rằng có khả năng GDP của Việt Nam sẽ tăng hơn 7,5% trong năm nay”- ông Michael Kokalari - CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho biết.
Việc tăng trưởng tiêu dùng nội địa cũng đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp tiêu dùng không thiết yếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Cụ thể như Digiworld (DGW) - nhà bán lẻ chuyên về điện tử tiêu dùng/điện thoại di động và nhà bán lẻ trang sức (PNJ) ước đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 50-60% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Hay với FPT Retail (FRT) cũng ước lợi nhuận tăng gấp 5 lần nhờ sự tăng trưởng doanh thu từ bán lẻ không thiết yếu như điện thoại iPhone cùng các sản phẩm điện tử tiêu dùng khác. Đồng thời doanh nghiệp này còn có doanh thu từ doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu, do các bệnh nhân quay trở lại với thói quen phòng chữa bệnh như trước Covid-19.
Tương tự như vậy, Covid-19 tại Việt Nam đã về cơ bản đã kết thúc, du lịch nội địa đã hoàn toàn phục hồi - vượt mức trước Covid-19. Vì vậy lợi nhuận của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tăng hơn gấp đôi.
Bên cạnh đó, “doanh thu ký bán” để mua các sản phẩm nhà ở mới được xây dựng của các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu như Tập đoàn Nam Long (NLG) và Vinhomes (VHM) đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm.
Chứng khoán có hưởng lợi?
GDP đang tăng mạnh và có thể sẽ còn tăng vọt trong quý III/2022 nhờ vào sự tiếp tục gia tăng của tiêu dùng trong nước. Theo dự báo của ông Michael Kokalari, GDP quý III/2022 có thể đạt 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ là một chất xúc tác quan trọng để các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này có cảnh báo duy nhất cho triển vọng rất khả quan đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam là GDP của Hoa Kỳ đang chậm lại.
Theo đó, sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam” như ti vi, đồ nội thất và điện thoại thông minh. Ngoài ra, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại khoảng 50% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2021, xuống còn khoảng 23% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2022. Từ đó, ông dự báo rằng, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ giảm xuống khoảng 10% vào cuối năm do nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng chậm lại.