Hà Nội: Sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong Vụ cháy chung cư mini ở phường Mai Dịch (Hà Nội): Lời kể của nhân chứng |
Mới đây, trong cuộc họp tiếp xúc cử tri 3 quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy (Hà Nội), câu chuyện về xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ cháy chung cư mini Thanh Xuân khiến 56 người tử vong lại được nhắc đến. Bởi đến thời điểm này, chính quyền Hà Nội vẫn chưa quy trách nhiệm cho ai và cũng chưa có một tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ cháy nghiêm trọng này.
Ông Lê Đình Nghĩa, Bí thư Chi bộ Tổ 14 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ quan điểm, đề nghị lãnh đạo TP. Hà Nội cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân liên quan. Cử tri này cho rằng, trên thế giới nếu các chính khách có hành động gây bức xúc dư luận thì họ sẽ đứng lên xin lỗi và xin từ chức. Nhưng, trong vụ việc cháy chung cư mini ở Thanh Xuân xảy ra ngày 12/9, tất cả vẫn “bình chân như vại”.
Đúng là như vậy, không ít quốc gia trên thế giới đã thực hiện rất hiệu quả việc xây dựng và phát triển văn hoá từ chức trong hệ thống chính trị của họ. Đơn cử như Trung Quốc, họ đã đạt được nhiều thành công qua việc tăng cường trách nhiệm và động viên công chức nâng cao chất lượng phục vụ công. Nước này cũng đã tạo ra một hệ thống quản lý nghiêm ngặt để giám sát và kiểm soát hành vi của các quan chức, đặc biệt là trong việc chống tham nhũng và lạm quyền...
Hay như ở Thái Lan, nước này cũng đã đạt được nhiều thành công bằng cách tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong quy trình từ chức. Họ đã tạo ra một môi trường làm việc trung thực, chống tham nhũng và khuyến khích sự tham gia của công chúng trong việc giám sát và đánh giá hoạt động của quan chức.
Các cử tri cho rằng, cần làm rõ có sự “bảo kê”, “chống lưng” cho hành vi vi phạm tiếp diễn hay không và cán bộ có liên quan đang công tác nên từ chức |
Trên thực tế, sau vụ cháy nghiêm trọng trên, chưa có một lãnh đạo hay cán bộ nào có ý thức tự giác đứng ra nhận trách nhiệm và thể hiện tính trung thực, chứ chưa nói đến việc xin từ chức. Trong vụ việc trên, cần làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền cơ sở. Bởi, nếu họ làm hết trách nhiệm, đúng chức trách của mình được giao, thì liệu những vi phạm “to như con voi” có tồn tại suốt một thời gian dài và gây ra hậu quả nghiêm trọng như trên hay không?
Ở đây, để nói về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cần làm rõ từ khâu cấp giấy phép xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng và công tác phòng cháy chữa cháy. Như đã biết, công trình này xây dựng và được chủ đầu tư bán hết cho người dân từ 8 năm trước. Vào năm 2015, chủ tòa chung cư mini trên là ông Nghiêm Quang Minh (SN 1979, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được quận Thanh Xuân cấp phép xây nhà ở riêng lẻ 6 tầng. Tuy nhiên, thực tế ông này đã xây dựng vượt 4 tầng so với giấy phép xây dựng, chia thành 45 căn hộ để bán. Công trình này cũng đã 2 lần bị quận Thanh Xuân ra văn bản xử phạt, cưỡng chế. Vậy nhưng, 8 năm qua, công trình xây sai phép cách trụ sở UBND phường Khương Đình không xa, nhưng việc xử lý công trình vi phạm chỉ “nằm trên giấy”.
Phải khẳng định rằng, việc chính quyền sở tại đã phát hiện ra vi phạm xây dựng rất sớm, ngay từ khi chủ công trình xây dựng sai phép. Thế nhưng, rõ ràng công tác quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở từ chính quyền quận đến phường, chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Việc chủ đầu tư có khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra hay không chắc chắn chính quyền sở tại nắm rõ “như lòng bàn tay”, nhưng không hiểu bằng cách nào nó vẫn ngang nhiên tồn tại và qua mặt được các cấp chính quyền quận Thanh Xuân.
Bởi vậy, trách nhiệm sẽ phải liên đới đến những tổ chức, cá nhân từ thời điểm công trình xây dựng đến nay. Theo đó, cần phải xem xét lại năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ, công chức, đảng viên trong công tác quản lý địa bàn của UBND phường Khương Đình, Đội Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân (nay là Đội Quản lý trật tự đô thị quận) và UBND quận Thanh Xuân.
Các cử tri cũng cho rằng, cần phải làm rõ ở đây có sự “bảo kê”, “chống lưng” hay tham nhũng và lạm quyền, tạo điều kiện cho hành vi vi phạm tiếp diễn hay không? Cho dù, những tổ chức, cá nhân có liên quan dù là ai, đang giữ chức vụ hay đã về hưu. Đặc biệt, việc xử lý cần được thực hiện nghiêm minh và không có vùng cấm. Hơn nữa, cần xem xét miễn nhiệm chức vụ với những người có liên quan vụ việc mà đang là lãnh đạo cơ quan, đơn vị, bởi có ai dám chắc rằng họ sẽ làm tốt chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó?
Sau khi vụ cháy xảy ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức đảng gồm: Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Tới đây, những dấu hiệu vi phạm sẽ được làm rõ; những tổ chức, cá nhân buông lỏng quảng lý, bao che cho sai phạm chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bởi vậy, những ai là lãnh đạo, cán bộ quản lý địa bàn tại thời điểm đó cần nhìn nhận lại bản thân và thấy được trách nhiệm liên đới của mình trong vụ việc trên. Nếu thấy hổ thẹn với lương tâm, nhất là thân nhân của những người đã tử vong trong vụ cháy, thì những cán bộ, đảng viên ấy dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, cần lên tiếng nhận trách nhiệm.
Nếu ai còn đương chức, đương quyền thì họ hãy xem xét lại bản thân có xứng đáng để là người công bộc của nhân dân và nên từ chức hay không? Câu hỏi này xin dành cho những người đã và đang làm công tác lãnh đạo, quản lý địa bàn xây dựng tòa chung cư mini xảy ra cháy khiến 56 người tử vong.