Lừa đảo đầu tư
Mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triệt phá đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC) trên ứng dụng UNISAT và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok, hoạt động tinh vi, xuyên quốc gia, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhiều nạn nhân với số tiền ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan công an đã bắt giữ 56 đối tượng.
Theo kết quả điều tra, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nhiều công dân Việt Nam đã sang Philippines làm việc cho tổ chức lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu tại Thủ đô Manila, Philippines.
![]() |
Một số nghi phạm bị nhà chức trách bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp |
Để thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm này lập các tài khoản Facebook ảo, giả danh doanh nhân thành đạt, khoe hình ảnh về sự giàu có để tạo lòng tin với nạn nhân. Sau khi làm quen, các đối tượng dụ dỗ bị hại tải ứng dụng “UNISAT”, tham gia đầu tư đồng tiền điện tử BTC với mức tối thiểu 8 triệu đồng để hưởng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn.
Ban đầu, bị hại được phép rút cả gốc lẫn lãi nhằm củng cố niềm tin. Khi đầu tư số tiền lớn hơn, chúng viện lý do lỗi hệ thống, tiền thuế, phí bảo hiểm… để yêu cầu nộp thêm tiền, sau đó chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền bị hại đã nộp.
Trước đó, ngày 26/1, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố Zhangmao (43 tuổi, người Trung Quốc) và 5 người Việt Nam để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Cơ quan điều tra xác định, Zhangmao là người chủ mưu của tổ chức tội phạm lừa đảo quốc tế này. Tổ chức tội phạm này hoạt động dưới vỏ bọc Công ty DH889 tại khu Kim Sa 2 (Campuchia), do một số người Trung Quốc cầm đầu, cùng nhiều người Việt Nam làm nhân viên.
![]() |
Đối tượng Zhangmao tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp |
Thủ đoạn của băng nhóm này là lừa đảo thông qua các app đầu tư, app tình yêu, app tiktok, hack telegram. Theo điều tra ban đầu, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2024 đến nay, đường dây này đã lừa đảo 1.800 tỷ đồng của 800 nạn nhân người Việt Nam.
Cuối tháng 11/2024, Công an TP. Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP. Hồ Chí Minh đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân với thủ đoạn kêu gọi đầu tư trên các sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán, cổ phiếu trái phép.
Trung vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố 18 đối tượng, tạm giữ 280 máy tính, 20 xe ô tô, tịch thu, phong tỏa số tài sản trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng lớn nhất từ trước đến nay bị triệt phá tại Việt Nam do Phó Đức Nam (Mr. Pips) cầm đầu và vụ án lừa đảo qua sàn giao dịch quốc tế do Công an Hà Nội triệt phá vào đầu tháng 12/2024, với số tiền hơn 5.300 tỷ đồng.
Theo điều tra, từ năm 2021, Phó Đức Nam (sinh năm 1994, trú tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) liên kết một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có Văn phòng điều hành tại khu Morgan Tower, thành phố Phnom-penh, Campuchia và chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” đặt trụ sở tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác.
![]() |
Mr Pips Phó Đức Nam tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp |
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tạo lập, quản lý 05 trang web (gồm: Alpha.com, Gtmx.com, Btfx.com, Enzofx.com, Gkfx.com) có giao diện tiếng Anh để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đây là các sàn giao dịch quốc tế, có uy tín nhưng thực chất các trang web này đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng do các đối tượng quản lý...
Thủ đoạn ban đầu nhóm lừa đảo sử dụng các ứng dụng zalo, telegram... liên hệ, dụ dỗ để khách hàng tham gia đầu tư với lượng tiền nhỏ, nhiều lần và có thể rút tiền được. Sau đó nhóm đưa thông tin khuyến khích khách hàng nộp thêm tiền, chốt các mã lời cao khiến tài khoản bị "cháy" và chiếm đoạt số tiền mà khách đã chuyển.
Cách thức phổ biến, nhiều nạn nhân mới vẫn... sập bẫy
Đầu tháng 10/2024, Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan vừa phá thành công chuyên án, triệt xóa đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia tại đặc khu kinh tế “Tam giác Vàng” thuộc tỉnh Bokeo (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) do các đối tượng người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu.
![]() |
Các đối tượng trong chuyên án bị bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp |
Nhóm tội phạm này hoạt động theo hình thức thường xuyên đăng tải các hình ảnh đời sống độc thân, giàu có lên mạng xã hội, sau đó kết bạn, nhắn tin nói chuyện, tạo mối quan hệ yêu đương, hẹn hò qua mạng… với các “con mồi” đã được chọn sẵn, từ đó dụ dỗ các nạn nhân tham gia đầu tư vào đồng tiền ảo do các đối tượng tự tạo lập nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, các đối tượng người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu chuyên lôi kéo, tuyển mộ những đối tượng người Việt Nam, người Lào tham gia thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân tại chính quê hương nhóm nhân viên này làm thuê.
Hay mới đây, Công an tỉnh Bắc Ninh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá thành công đường dây lừa đảo hoạt động ở Campuchia, với hơn 13.000 bị hại và số tiền chiếm đoạt gần 1.000 tỉ đồng.
![]() |
Các đối tượng lừa đảo trong vụ án do Công an tỉnh Bắc Ninh triệt phá. Ảnh: Nguyễn Ngân |
Nhóm đối tượng này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia với thủ đoạn giả danh công an cấp phường, công an cấp huyện, cán bộ ngành thuế, ngành điện, ngành giáo dục gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế,… sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
Đây là vụ án được đánh giá là một trong những đường dây lừa đảo công nghệ cao có quy mô và số lượng bị hại lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Đáng chú ý, mặc dù nhóm đối tượng sử dụng các chiêu thức, cách thức lừa đảo khá phổ biến hiện nay, nhưng vẫn có hàng vạn nạn nhân bị "sập bẫy" của nhóm tội phạm này.
Theo thông tin từ Bộ Công an, trong năm 2024, lực lượng Công an cả nước phát hiện, xử lý hơn 3.900 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có hơn 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng. |