Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm UBKTQH chủ trì buổi góp ý dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi tại TP. Hồ Chí Minh |
Tại buổi góp ý, các ĐB Quốc hội và các nhà chuyên môn quan tâm nhất đến các qui định trong Luật Chứng khoán sửa đổi về: tỷ lệ sở hữu trong doanh nghiệp (DN) cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN); Vốn của các công ty niêm yết; Địa vị pháp lý của Uỷ ban chứng khoán (UBCK); Vấn đề giao dịch bù trừ chứng khoán; Duy trì mô hình 2 sàn như hiện nay hay một sở hai sàn giao dịch; Hay các qui định về xử lý vi phạm…
Ông Trịnh Hoài Giang - Phó Tổng Giám đốc công ty CP chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) - cho rằng: Mô hình 2 Sở giao dịch hiện nay đang gây khó cho các công ty chứng khoán vì họ phải làm 2 hệ thống kết nối.
Ông Giang đề nghị theo mô hình 1 sở 2 sàn để thống nhất về hệ thống và công nghệ trong đó qui định rõ: Trái phiếu DN và cổ phiếu DN tập trung tại sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh, còn trái phiếu Chính phủ và các sản phẩm phái sinh tập trung giao dịch tại sàn Hà Nội.
Về khâu thanh toán, ông Giang đề xuất cần phải có trung tâm bù trừ thanh toán mạnh. Ở các nước tiên tiến, trung tâm bù trừ thanh toán nằm ngoài Sở giao dịch như Mỹ vì lượng giao dịch lớn. Còn Việt Nam sẽ tương đồng như mô hình của Malaysia hay Hàn Quốc là trung tâm bù trừ thanh toán nằm trong sở giao dịch chứng khoán.
Về tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN, theo ông Giang làm sao Luật chứng khoán sửa đổi phải thu hút được ĐTNN mới có thể nâng hạng được thị trường, vì hiện có sự chồng chéo giữa Luật chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật DN.
Vấn đề xử lý vi phạm, theo dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi mới chỉ phạt tiền (1,5 tỷ đồng đối với cá nhân và 3 tỷ đồng đối với DN - PV), theo ông Giang là chưa đủ mạnh. Hiện ở các nước, xử lý vi phạn bên cạnh phạt tiền đi đôi với phạt tù mới đủ mạnh để răn đen. Vì theo ông Giang hiện tình trạng tạo cung - cầu giả trên thị trường là rất lớn và nguồn tiền bất chính là bao nhiêu xác định rất khó.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐB Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: Điều cơ bản nhất là hàng hoá của thị trường nằm ở trong điều 4 của Luật đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại chuẩn mức định nghĩa hàng hoá theo quốc tế để dễ dàng trong hội nhập quốc tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý kiến |
Theo ông Ngân, Điều 14 qui định vốn điều lệ cho công ty ở thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng là 30 tỷ như vậy là hơi cao, cần thấp hơn 1 chút. Riêng với DN khởi nghiệp sáng tạo (start-up) nên có qui định riêng và rõ vốn ở thời điểm phát hành ra công chúng lần đầu chỉ cần 10 tỷ chẳng hạn…
Đối với Điều 51 Luật chứng khoán sửa đổi, ông Ngân cho rằng nên giao cho Chính phủ để sớm ra luật nhưng gởi gắm thông điệp theo hướng: những lĩnh vực khuyến khích FDI được đầu tư 100% thì cũng khuyến khích luôn FDI đầu tư 100% (vốn ĐTNN gián tiếp), và nên quản lý room ĐTNN theo ngành.
Về tổ chức của UBCK ông Ngân phân tích: trước đây UBCK trực thuộc Chính phủ sau đó trực thuộc Bộ Tài Chính. Nay nên để UBCK nên là cơ quan trực thuộc Chính phủ và có đầy đủ chức năng, quyền lực đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch tránh sự lũng đoạn. Đây cũng là quan điểm được nhiều đại biểu QH tán thành.
Ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (Hose) |
Đồng quan điểm với đại biểu Trần Hoàng Ngân, một số đại biểu khác cũng cho rằng Điều 51 qui định về sở hữu của nhà ĐTNN quá chung chung, không cụ thể. Cần cụ thể hoá và hình thức xử lý khi vi phạm.
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) - phân tích: Nền kinh tế đang cần vốn mà trách nhiệm của TTCK là huy động vốn thì chưa làm được. Vì theo thống kê của UBCK có 796 DN CPH “trốn tránh” niêm yết, vậy phải ngồi lại rà soát xem liệu các DN này có lên sàn được hay không? Ông Tiến cũng cho rằng: bất cập lớn khi hai sàn giao dịch Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lại có 2 tiêu chí niêm yết, giao dịch khác nhau rất chênh lệch. Vì vậy cần thống nhất 1 sở hai sàn với các tiêu chí qui định thống nhất, minh bạch và công bằng. Và cần xác định rõ mục tiêu của TTCK là kênh huy động vốn cho nền kinh tế chứ không phải “sân chơi”.
Ông Lê Hải Trà - Phụ trách HĐQT Hose - cho biết: hiện các tổ chức đánh giá nâng hạng thị trường đã phải bỏ 9 công ty niêm yết trong rổ VN 30 ra ngoài vì không còn room cho nhà ĐTNN, và sắp tới là 5 công ty sẽ hết room. Chúng ta muốn thu hút ĐTNN nhưng lại giới hạn sẽ rất khó để nâng hạn thị trường.
Liên quan đến DN khởi nghiệp sáng tạo, nếu muốn đưa vào luật cần phải có nguyên tắc và qui định rõ. Theo ông Trà, nếu DN CPH bình thường hoạt động lỗ sẽ không được IPO nhưng DN khởi nghiệp sáng tạo thì lỗ vẫn có thể IPO (như Uber lỗ 3 tỷ USD vẫn IPO bình thường) nhưng phải qui định rõ khi anh gọi vốn thành công vòng bao nhiêu? Qui mô vốn cỡ nào và lượng người dùng ra sao… lúc đó mới được IPO.
Góp ý dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi nằm trong chương trình hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ. Aus4Reform sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư… Chương trình kéo dài từ 2017-2021 với tổng giá trị 6,5 triệu USD. |