Chống thuốc giả và thực phẩm chức năng giả: Phải được ưu tiên hàng đầu |
Nhiều thực phẩm chức năng bị thu giữ
Mới đây, một phụ nữ 25 tuổi tại Lâm Đồng suýt mất mạng vì bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau thời gian sử dụng thực phẩm chức năng để làm đẹp da, thải độc tố…
Đây là một trong những thực phẩm chức năng đã bị thu hổi |
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân có bệnh vảy nến, được người quen giới thiệu một số loại thực phẩm chức năng để thải độc tố. Bộ sản phẩm gồm 7 loại với giá bán gần 5 triệu đồng. Sau khi sử dụng được 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện các nốt ban nhỏ, lấm tấm; đến khoảng ngày thứ 18, trong miệng xuất hiện nhiều mụn nước, cơ thể mệt mỏi, sốt li bì, xuất hiện nhiều vết trợt ngoài da… Mấy ngày sau, cơ thể đau nhức, thậm chí cảm giác đau từng lỗ chân lông, từng sợi tóc, nên bệnh nhân đã được người nhà đưa đi viện cấp cứu tại Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh.
Trước đó tại Bệnh viện Bạch Mai đã có không ít trường hợp nhập viện cấp cứu vì biến chứng nặng, thậm chí tử vong vì tin vào những lời quảng cáo, dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tình trạng này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng thực phẩm chức năng không an toàn; đặc biệt là thực trạng sản phẩm không đảm bảo chất lượng, trôi nổi trên thị trường.
Những năm gần đây, cơ quan chức năng đã liên tục thu hồi, tiêu hủy sản phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thu hồi 5 sản phẩm bảo vệ sức khỏe, đó là: Bổ hoàn dương plus (số lô: SOLO: 02.2022, ngày sản xuất 11/5/2022, hạn dùng 10/5/2025) do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Ngọc nữ Protect Health, địa chỉ xóm Hồ Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đăng ký bản công bố sản phẩm. Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 6537/2021/ĐKSP ngày 18/7/2021.
Lý do thu hồi, sản phẩm sản xuất tại cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Ngoài ra sản phẩm cũng không đáp ứng đủ quy định về mác dán, nội dung ghi trên nhãn sản phẩm này không phù hợp với hồ sơ công bố như: Không ghi tên cơ sở sản xuất “Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển”; sai thành phần cấu tạo (theo hồ sơ công bố: Bột vỏ hàu, nhãn thành phẩm ghi: Chiết xuất vỏ hàu).
Tương tự, sản phẩm Stony bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý cũng bị thu hồi, do được sản xuất tại cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ theo quy định/cơ sở không được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định. Sản phẩm này do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Ngọc Nữ Protect Health chịu trách nhiệm về chất lượng và phân phối sản phẩm (Số lô: 3/2022, ngày sản xuất: 12/5/2022, hạn sử dụng: 11/5/2025).
Sản phẩm thứ 3 là Kumiko slim. Sản phẩm có nhãn mác ghi Công ty TNHH Pharma Quốc Anh (địa chỉ tại thôn Khánh Vân, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội), song lại không có thông tin về số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Thứ tư là sản phẩm giảm cân Giấm táo slim (số lô: 1/2022, ngày sản xuất: 26/2/2022, hạn sử dụng: 25/2/2025) do Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Đan Thy (địa chỉ tại số 164/10 đường An Phú Đông 9, khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm về chất lượng và phân phối sản phẩm.
Sản phẩm Nio Slim bị thu hồi do được sản xuất tại cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khoẻ theo quy định; không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định. Trên nhãn ghi thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nio Slim hỗ trợ giảm béo nhưng không có tên đơn vị công bố, sản xuất sản phẩm. Sản phẩm không có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Tăng cường quản lý cấp phép, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2010, tổng cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng chỉ là 1.626 đơn vị, với 3.721 sản phẩm thì đến hết năm 2021 con số này lên tới là 3.108 cơ sở, với 11.227 sản phẩm. Trong đó, số sản phẩm nhập khẩu chỉ chiếm gần 15%, còn 85% là sản phẩm trong nước.
PGS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: Tại Việt Nam, ngoài dược phẩm, thị trường thực phẩm chức năng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi theo mô hình các bệnh mãn tính, do tuổi thọ tăng, thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh.
Chia sẻ của một số đại lý thuốc, lợi nhuận thu về từ các sản phẩm chức năng vô cùng lớn, không có con số chính xác cho khoản lợi nhuận. Đây chính là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả.
Tại hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp” diễn ra không lâu, là “nạn nhân” của vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả, bà Trần Hoàng Kim Anh, Thương hiệu PN’S CHOICE, Công ty TNHH Tập đoàn Y – Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam - chia sẻ, Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm được mệnh danh “báu vật đại ngàn” của nước Việt Nam. Sản lượng khan hiếm cùng với lợi ích kinh tế khiến loại sâm này trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính.
Hiện có đến 90% sâm Ngọc Linh gắn mác khai thác tự nhiên trên thị trường là giả, điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn với doanh nghiệp khi khách hàng quay lưng lại với sâm Ngọc Linh vì vấn nạn làm giả.
Việc làm giả và lưu hành các sản phẩm giả tác động trực tiếp và tiêu cực đến uy tín của các thương hiệu đích thực và gây ra những tác hại rất lớn đối với doanh nghiệp, như mất uy tín thương hiệu; mất doanh thu và thị phần trên thị trường, vì các sản phẩm giả mạo chiến đóng khiến sản phẩm doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng tiềm năng, người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm...
Trước tình trạng này, để tiếp tục tăng cường hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng, đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn và sức khỏe cho người bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác truyền thông, phổ biến cho cơ sở kinh doanh, người sử dụng thuốc duy trì việc triển khai đáp ứng các tiêu chuẩn Thực hành tốt trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định.
Thực hiện hệ thống quản lý để đảm bảo xác định được nguồn gốc lô thuốc, xác định được cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh, sử dụng trong chuỗi cung ứng thuốc.
Bên cạnh nỗ lực đấu tranh chống hàng giả của cơ quan chức năng, giới chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình. Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, nhận thức về thuốc, tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của cơ sở kinh doanh dược phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, gây nguy hại đối với sức khỏe.
Không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan chức năng có liên quan.