Vốn đăng ký điều chỉnh tăng trên 24%
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam thu hút được 23,74 tỷ USD vốn FDI, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, đáng chú ý trong bức tranh FDI 10 tháng đầu năm là vốn FDI đăng ký mới và FDI đăng ký điều chỉnh tăng mạnh.
Cụ thể, 10 tháng, cả nước thu hút được 1.375 dự án FDI đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn FDI điều chỉnh của 776 lượt dự án đạt trên 7,09 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam thu hút được 1.375 dự án FDI mới trong 10 tháng đầu năm 2021 |
Đặc biệt, 10 tháng đầu năm vẫn có rất nhiều dự án FDI có số vốn hàng tỷ USD đăng ký đầu tư mới và tăng vốn tại Việt Nam. Điển hình như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore, có tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại tỉnh Long An; Dự án LG Display Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,15 tỷ USD; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), có tổng vốn đăng ký 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện lưới cho khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ…
Đánh giá về kết quả thu hút FDI 10 tháng, ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dòng vốn FDI toàn cầu giảm mạnh. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 đến nay, nhưng dòng vốn FDI vào nước ta vẫn tăng, điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng và đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Liên quan đến thông tin, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển nguồn vốn ra khỏi Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cho rằng: Đầu tư nước ngoài là hoạt động đầu tư có chiến lược dài hạn, liên quan đến nhà máy, nhân sự, nên không dễ để họ rời khỏi Việt Nam, chỉ có điều thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ, có phần cực đoan, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các nhà đầu tư nước ngoài phải dịch chuyển đơn hàng sang một số quốc gia khác để gia công.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn cầu |
Xây dựng trung tâm sản xuất tại Việt Nam
Bất chấp những tác động bất lợi của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, nhiều tập đoàn nước ngoài vẫn cho biết, họ tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam và sẽ chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất trong khu vực và thế giới.
Điển hình trong số đó là Tập đoàn Nestlé Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tập đoàn này vẫn quyết định đầu tư vào Việt Nam 132 triệu USD để tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại Nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai), nhằm hướng tới mục tiêu đưa thị trường Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng cà phê giá trị cao trên thị trường thế giới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam - cho biết: “Thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và đồ uống đóng gói cho cả thế giới nhờ sở hữu một lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cao. Ngoài ra, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả các thị trường mà tập đoàn đang có mặt”.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Schaerffler Việt Nam (Đức) - thông tin, tập đoàn này lựa chọn tỉnh Đồng Nai - Việt Nam để xây dựng nhà máy lớn nhất, hiện đại nhất của tập đoàn với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu là 45 triệu Euro, khi dịch qua đi, Schaerffler sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 2 và đóng vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu cho một loạt sản phẩm công nghiệp.
Nói về lý do Schaerffler lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ, Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), sự kiện này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trong nước và xây dựng chuỗi cung ứng thuận lợi.
Rõ ràng, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm “đặc biệt” của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ những lợi thế về chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực dồi dào với chất lượng ngày càng được cải thiện và cơ hội từ hội nhập kinh tế, quốc tế. Tuy vậy, công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách cực đoan thời gian trước đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển đơn hàng sang quốc gia khác để gia công, mặc dù không chuyển vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam, nhưng điều đó cũng truyền tải một thông điệp mạnh mẽ đến Chính phủ và cơ quan chức năng rằng, đã đến lúc không thể tiếp tục áp dụng biện pháp chống dịch cực đoan, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tính đến ngày 20/10/2021, Việt Nam thu hút được 34.266 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 404 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI đạt 247,16 tỷ USD, bằng 61,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. |