|
Ông Võ Tuấn Nhân- Thứ trưởng Bộ TN&MT - nhấn mạnh, việc xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phải dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020. Các thông số đưa ra cần phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính tương đồng với Luật BVMT mới để khi luật có hiệu lực từ năm 2021 các QC vẫn có giá trị và tiếp tục được áp dụng.
Được biết, năm 2021, Tổng cục Môi trường cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi 11 QCVN (gồm 3 QCVN về chất lượng môi trường và 8 QCVN về chất thải và xử lý chất thải). Năm 2022, đơn vị sẽ xây dựng mới 6 QCVN.
Về nhiệm vụ rà soát, sửa đổi 11 QCVN trong năm 2021 và xây dựng mới các QC năm 2022, theo ông Võ Tuấn Nhân thì Tổng cục Môi trường cần phối hợp với các đơn vị liên quan để tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo các QCVN, dựa trên lập luận pháp lý rõ ràng, theo đúng quy định của pháp luật.
“Đến đầu tháng 6, phải ban hành xong 6 QC về phế liệu. Giải quyết, tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc trong 5 QC về chất lượng môi trường và 3 QCVN về chất thải, đầu tháng 6 xin ý kiến và quý III có thể ban hành” - ông Võ Tuấn Nhân nêu thời hạn.
Tính đến nay Bộ TN&MT đã ban hành 48 QCVN về môi trường làm công cụ quản lý quan trọng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của công tác BVMT trong những năm vừa qua.
Trong 48 QCVN về môi trường có 12 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh và 36 QCVN về chất thải và xử lý chất thải. Nhìn chung, các QCVN về môi trường hiện nay đã được xây dựng đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí một số ngưỡng quy định còn tiệm cận với quy định của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU).