Khơi thông chính sách cho công nghiệp hỗ trợ Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra "điểm nghẽn" trong phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Lo ngại về “sức khỏe” các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, là “linh hồn" của công nghiệp chế tạo, nhưng thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế |
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may - da giầy đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn còn những tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi còn hạn chế; Việc phổ biến, tuyên truyền về các chính sách ưu đãi đến cộng đồng các doanh nghiệp còn hạn chế và chưa được thực hiện thường xuyên, trên phạm vi rộng. Sự hiểu biết của một bộ phận doanh nghiệp về các quy định chính sách của Nhà nước còn hạn chế.
Nguyên nhân là do đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ và xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp trong quá trình thực thi chính sách;
Một bộ phận doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa quan tâm, chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; do nguồn lực hạn chế nên thường không có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách ưu đãi...
Thực tế lo ngại về “sức khỏe” của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước không phải là vấn đề mới, nhưng đến nay dường như chưa có nhiều cải thiện.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), thời gian qua liên tục đón các doanh nghiệp FDI đề nghị hỗ trợ kết nối và xây dựng chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp đầu chuỗi từ châu Âu, châu Mỹ hay một loạt nhà cung ứng cấp 1 của Apple. Đặc biệt, các “ông lớn” này không chỉ đặt vấn đề tìm kiếm một, hai nhà cung cấp mà đều muốn tiếp cận theo chuỗi, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm hỗ trợ tại Việt Nam. Đây rõ ràng là kỳ vọng để doanh nghiệp Việt phát triển, có vị trí then chốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
Tuy nhiên ông Phạm Tuấn Anh – Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra, mối lo hiện hữu khi kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo, hạn chế tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh, năng lực tổ chức quản lý, trình độ công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp đầu chuỗi.
Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu về giá, chất lượng, và tiến độ giao hàng. “Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Để phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị lớn”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu.
Tăng kết nối, gỡ 'nút thắt' về chính sách
Cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ đang hiện hữu, triển vọng rất tích cực, vấn đề cốt lõi để biến cơ hội, triển vọng thành hiện thực cần những giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt nhằm khắc phục cơ bản các điểm nghẽn mà nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước đã liên tục kiến nghị.
Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân- đoàn TP. Hồ Chí Minh chianeeu quan điểm, trong bối cảnh xung đột địa chính trị diễn ra phức tạp, doanh nghiệp Việt phải chú ý tới thị trường cận biên như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ.... Từ đó, mới có khả năng giảm tác động đứt gẫy chuỗi cung ứng có khả năng xảy ra. Đặc biệt, "chúng ta phải tạo một cơ chế để kết nối ngành công nghiệp trong nước cùng sự phát triển của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi đó mới hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững hơn. Cho nên, phải sớm có Luật về công nghiệp hỗ trợ trong nước để hỗ trợ sản xuất trong nước"- đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.
Ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, để thu hút FDI hiệu quả, Việt Nam cần hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa hợp tác, cung cấp sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI với giá rẻ hơn. Như vậy, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu giữ chân ông lớn FDI, phát triển doanh nghiệp nội địa. Làm gì, hỗ trợ gì để các doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác với FDI? Tôi cho rằng cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) của doanh nghiệp trong nước. Từ đó, phát triển được các tập đoàn lớn trong nước đủ sức dẫn dắt. Do đó, muốn phát triển cần sớm ban hành thêm chính sách hỗ trợ.
Về phía Bộ Công Thương cũng đưa giải pháp, quan trọng là đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển mạnh chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp từ số lượng sang chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm. “Định hướng lựa chọn và khuyến khích dự án FDI vào các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước, có tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ trong nước cao, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ; ưu tiên hình thức liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước; ưu tiên các công ty đa quốc gia có thương hiệu quốc tế và có năng lực cạnh tranh cao, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp công nghiệp có tiềm năng trở thành các tập đoàn có quy mô khu vực và toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước, thông qua cơ chế hỗ trợ, khuyến khích mua bán và sáp nhập giữa các doanh nghiệp nội địa; chuyển giao công nghệ; tiếp tục các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế và tài chính.
Đồng thời tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo các định hướng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ để từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, phát triển chuỗi giá trị trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung phát triển một số sản phẩm quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tăng cường sự kết nối, lan tỏa về vốn, chuyển giao công nghệ, bí quyết đổi mới sáng tạo giữa FDI và các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ phát triển mô hình các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.