Hiệu quả cao
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, trong giai đoạn 2010-2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đưa vào hoạt động sản xuất Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Đây là nền móng đầu tiên, khởi đầu cho việc hình thành Trung tâm công nghiệp Nhôm tại Đắk Nông.
Dự án do TKV làm chủ đầu tư, với công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin/năm. Đây là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp mới - công nghiệp khai thác, chế biến quặng bô xít tại Tây Nguyên, để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm.
Công nghiệp Alumin đóng góp tích cực vào kinh tế Đắk Nông |
Dự án có tổng mức đầu tư là 16.822 tỷ đồng. Sau 5 năm đi vào vận hành sản xuất thương mại, đến nay, hoạt động sản xuất của nhà máy tương đối ổn định và đạt được công suất thiết kế. Sản phẩm đầu ra của Nhà máy chất lượng tốt, bảo đảm yêu cầu của khách hàng. Trong giai đoạn 2015-2020, dự án đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.517 tỷ đồng.
Ngoài Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, hiện nay, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ sự quan tâm đến ngành công nghiệp Alumin của Đắk Nông. Đơn cử, tháng 4 vừa qua, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Nông cho biết tỉnh này đã có buổi làm việc với Tập đoàn Hòa Phát liên quan việc đầu tư tổ hợp các nhà máy tuyển quặng, điện phân nhôm, điện gió tại Đắk Nông.
Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư cụm dự án Alumin (công suất 2 triệu tấn Alumin/năm) và nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm. Địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D’rung, Nâm N’Jang và Trường Xuân, H.Đắk Song. Dự án điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án nhà máy điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW, xây dựng tại H.Đắk Song và H.Tuy Đức. Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên là hơn 4,3 tỉ USD.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, nếu được tỉnh Đắk Nông chấp thuận đầu tư, Hòa Phát cam kết sẽ tập trung nguồn lực mạnh nhất để khởi công xây dựng. Theo tính toán của Tập đoàn này, các dự án tại Đắk Nông khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 3.000 tỉ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Cũng trong tháng 4, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông Ngô Thanh Danh đã có buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn Việt Phương để nghe doanh nghiệp này đề xuất, xin chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn Việt Phương đề xuất đầu tư 4 dự án lớn. Đó là Dự án tổ hợp Boxit - Alumin- Nhôm Đắk Glong; Dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong; Khu công nghiệp Nhân Cơ 2; Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại TP. Gia Nghĩa.
Tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong, diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 600.000 tấn nhôm/năm. 7 dự án điện gió nằm trên địa bàn H.Tuy Đức, H.Đắk Song và H.Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW. Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, H.Đắk R’lấp. Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, quy mô 30 lô biệt thự, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại tọa lạc tại TP.Gia Nghĩa.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông bày tỏ sự đồng tình với các doanh nghiệp, đồng thời giao các sở, ngành cùng với Công ty xử lý, giải quyết những vướng mắc, nhất là tích hợp các quy hoạch trong tổng thể chung.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bô xít - nhôm
Quyết tâm phát triển ngành công nghiệp alumin đã được chỉ rõ tại Dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông Thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quan điểm, mục tiêu, định hướng của tỉnh đề ra là trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tăng sức cạnh tranh trên thị trường, với các ngành chủ lực là công nghiệp Alumin – Nhôm, năng lượng tái tạo và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; giảm dần các ngành công nghiệp thâm lao động; chú trọng bảo vệ môi trường, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và giải quyết các vấn đề xã hội.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 16,7%; tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giai đoạn 2021-2015 đạt 16,06%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 23%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30%; tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giai đoạn 2021-2015 đạt 18,88%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu khoảng 20%.
Tỉnh cũng định hướng huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng và đưa vào sản xuất các dự án ở các ngành công nghiệp công nghiệp luyện alumin – nhôm, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến nông lâm sản dựa trên lợi thế của tỉnh về các nguồn tài nguyên. Tiếp tục thu hút các nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị và tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác góp phần phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề lao động, việc làm tại địa phương.
Giai đoạn đến năm 2030: Tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển các ngành công nghiệp alumin - nhôm và các sản phẩm sau nhôm, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp.
Tầm nhìn 2050: Phát triển công nghiệp alumin - nhôm và sản phẩm sau nhôm để xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành trung tâm luyện kim màu lớn nhất nước.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất kim loại, trong ngắn hạn cần tiếp tục tập trung đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất alumin trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bô xít tiến tới hoàn thiện chuỗi giá trị bô xít - alumin – nhôm. Đầu tư nâng cao công suất của nhà máy alumin Nhân Cơ.
Song song với đó, hoàn thiện hạ tầng, giải quyết các thủ tục liên quan để đưa dự án sản xuất nhôm của doanh nghiệp Trần Hồng Quân đi vào hoạt động để sớm có sản phẩm nhôm và các sản phẩm sau nhôm. Hoàn tất hồ sơ thủ tục, sớm triển khai và đưa các tổ hợp dự án đi vào vận hành: dự án Nhà máy tuyển bô xít – Alumin – Nhôm Hòa Phát của Tập Đoàn Hòa Phát; dự án chế biến bô xít – alumin – nhôm Đắk G’long của Tập đoàn Việt Phương; chế biến sâu quặng bô xít (sản xuất Alumina – Điện phân nhôm kim loại) của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang và các tập đoàn khác…
Tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất nhôm và sản phẩm sau nhôm. Từng bước đưa tỉnh Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia, trung tâm luyện kim màu lớn nhất nước.