Nhiều khu công nghiệp phía Nam “hút vốn” đầu tư
Hạ tầng đồng bộ, chính sách ưu đãi tốt là “thỏi nam châm” hút đầu tư của các KCN tại Đồng Nai |
Đông Nam bộ: Nhiều điểm sáng
Trong số 5 tỉnh Đông Nam bộ, Bình Dương và Đồng Nai là những điểm đến thu hút nhất với các nhà đầu tư. Tại tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm đã thu hút hơn 1,67 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có 90 dự án mới được cấp phép và 46 dự án điều chỉnh tăng vốn. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc - các dự án chủ yếu tập trung vào các KCN đã có sự chuyển biến tích cực về chất lượng, một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore đầu tư gần 285 triệu USD xây dựng hạ tầng KCN Việt Nam - Singapore III; Tập đoàn Kolon Industries (Hàn Quốc) đầu tư 220 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sợi lốp ôtô...
Tại tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 6/2017, các KCN đã thu hút hơn 517 triệu USD và 2.395 tỷ đồng đầu tư, trong đó có 28 dự án đầu tư mới và 38 dự án điều chỉnh tăng vốn của doanh nghiệp (DN) FDI, 3 dự án điều chỉnh tăng vốn của DN trong nước. Các dự án mới tập trung tại các KCN Long Đức, An Phước, Nhơn Trạch I, Bàu Xéo, Hố Nai… Theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Nai, các dự án đầu tư mới phù hợp với chủ trương của tỉnh đặt ra từ năm 2006 là thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, có vốn đầu tư lớn...
Tây Nam bộ nỗ lực: Cải thiện chính sách
Ở khu vực Tây Nam bộ trong các tháng đầu năm, thu hút đầu tư vào các KCN cũng có nhiều khởi sắc. Tính đến nay, các KCN tại tỉnh Long An thu hút trên 1.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Riêng khu vực FDI thu hút hơn 5 tỷ USD. Tỉnh Hậu Giang, 6 tháng đầu năm, các KCN trên địa bàn thu hút được 40 nhà đầu tư với tổng vốn đạt 67.096 tỷ đồng và 763,7 triệu USD. Từ đầu năm đến hết tháng 6/2017, Đồng Tháp đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án là: Tổ hợp Nhà máy bia Sài Gòn - Đồng Tháp với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 9/2017; Nhà máy Sản xuất gạch không nung công nghệ ép rung thủy lực (Công ty TNHH Tín Phát Cao Lãnh) và Nhà máy Sản xuất gạch không nung (Công ty TNHH MTV San lấp Đồng Tháp 689). Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án, trong đó có 3 dự án thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản.
Nhìn chung thu hút đầu tư vào các KCN thời gian qua đạt hiệu quả là do công tác cải cách hành chính đã được các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Đơn cử như Long An đã có những chính sách, thủ tục thông thoáng cho các nhà đầu tư, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Cuối năm 2016, tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công góp phần rút ngắn quy trình, thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính phục vụ người dân, DN và xã hội ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Thậm - Phó giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang: Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong những tháng cuối năm, ngoài việc tích cực sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản, chính sách hỗ trợ, Hậu Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các DN trong các khu, cụm công nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. |