Hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số lấy dữ liệu làm trọng tâm Chuyển đổi số: Phải làm thực chất, không “đánh trống bỏ dùi” Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ: Chủ động trong chuyển đổi số |
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 505/QĐ-TTg chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xu hướng chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam |
Hưởng ứng tinh thần đó của chính phủ, rất nhiều địa phương, cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp thời gian qua đã nỗ lực chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động thường nhật của mình nhằm phục vụ người dân tốt hơn, hoặc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Ghi nhận xu thế đó, một cuộc hội thảo sẽ được tổ chức vào sáng 9/10 tại khách sạn Melia, Hà Nội với chủ đề: “Tăng tốc chuyển đổi số: phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Tại cuộc hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng sẽ có bài tham luận về chủ đề chuyển đổi số hướng tới người dân, chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Đây cũng là chủ trương xuyên suốt của chính phủ trong năm 2022 khi thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Cách đây hơn một tháng, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về việc triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu rằng chuyển đổi số cần hướng tới người dân, người dân thấy thiết thực, hiệu quả thì chuyển đổi số khó khăn đến mấy cũng thành công.
Cũng tại hội thảo này sẽ có sự tham dự của đại diện Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải… là những đơn vị đã triển khai những dự án lớn về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống quản lý thi và hồ sơ điện tử giáo viên và học sinh, hệ thống cấp đổi biển số xe trực tuyến… Đồng thời, sẽ có các tham luận và phần thảo luận nhóm để các bên tham gia có thể thảo luận về các chương trình chuyển đổi số của nhà nước hướng tới phục vụ người dân tốt hơn.
Trong chương trình của hội thảo còn có chia sẻ của các doanh nghiệp như FPT Digital, VieON, Lộc Trời… về những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng chuyển đổi số, cũng như những chính sách của nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào. Cuộc hội thảo này do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức.
Một sự kiện khác cũng được VDCA tổ chức vào ngày 9/10 là Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022. Đây là Giải thưởng tôn vinh các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân có các sản phẩm, giải pháp xuất sắc, hoặc đã áp dụng thành công các sản phẩm giải pháp chuyển đổi số vào hoạt động của mình.
Đặc biệt, năm nay Giải thưởng còn tôn vinh các sản phẩm, giải pháp của doanh nghiệp nước ngoài có pháp nhân tại Việt Nam. Đây là những sản phẩm có đóng góp hữu ích cho sự phát triển của người dân và kinh tế xã hội Việt Nam.
Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, sẽ có khoảng gần 50 đơn vị được vinh danh tại Lễ trao giải lần này. Trong đó, có nhiều sản phẩm và đơn vị được vinh danh là những dự án lớn của quốc gia. Lễ trao Giải thưởng sẽ được tổ chức từ 15h-16h ngày 9/10 tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội.
Tham gia Ban giám khảo Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã 3 năm, Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận xét, qua 3 năm chấm giải, tôi thấy chất lượng và thành quả càng ngày càng cao. Các doanh nghiệp, trong trào lưu chung của cả nước thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng chính phủ phê duyệt, đều đã tích cực đầu tư cả nhân lực, cả tài chính cho chuyển đổi số.
Cũng vào dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chương trình “Tháng 10, tháng tiêu dùng số” với các chương trình ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số nhắm đến hai nhóm đối tượng: Nhóm đã và đang sử dụng dịch vụ số và Nhóm đối tượng người dùng mới nhằm khuyến khích người dân tham gia kênh số, sử dụng sản phẩm dịch vụ số.
Có thể thấy, sau khi vượt qua đại dịch Covid-19, giờ đây chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh, kinh tế số chiếm 20% GDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%...