Đại tướng Phan Văn Giang chủ trì lễ đón Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu |
Đồng chí Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) - mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và đấu tranh cách mạng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Chu Huy Mân tại Hội trường Ba Đình ngày 12/11/2002. Ảnh tư liệu |
Năm 1929, khi mới 16 tuổi, đồng chí đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực tham gia các phong trào yêu nước ở quê hương. Cuối năm 1930, khi mới 17 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí dũng cảm chiến đấu trong các đội Xích vệ (Tự vệ đỏ), cùng đồng đội kiên quyết chống sự đàn áp khủng bố của địch và ra sức bảo vệ những cuộc đấu tranh chính trị sôi động của quần chúng nhân dân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931).
Mặc dù bị địch quản thúc, đồng chí vẫn bí mật hoạt động, tích cực xây dựng cơ sở cách mạng, được tổ chức tín nhiệm giao làm Bí thư chi bộ xã, Bí thư phân Huyện ủy huyện Hưng Nguyên.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật (1937- 1940), đồng chí bị địch bắt giam nhiều lần ở Nhà lao Vinh, đến năm 1940, chúng bắt giam đồng chí ở các nhà tù Đắc Lay, Đăk Tô, Kon Tum và nhiều lần cùng đồng đội vượt ngục tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng….
Đầu năm 1943, sau khi vượt ngục an toàn, đồng chí về tìm bắt liên lạc với Đảng và hoạt động cách mạng ở Quảng Nam, được phân công làm Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam. Tháng 9/1945, đồng chí vào quân đội và được phân công làm Chính trị viên Chi đội (Tỉnh đội).
Sau một thời gian ổn định tình hình, Xứ ủy Trung Kỳ điều động đồng chí ra Huế giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C, gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam.
Cuối năm 1946, đồng chí được điều ra Việt Bắc để xây dựng các trung đoàn chủ lực, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy, Chính ủy các trung đoàn 72, 74, 174 ở vùng Cao - Bắc - Lạng (1947 - 1949), chỉ huy các trận đánh trên đường số 4 rồi giúp cách mạng Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.
Tháng 5/1951, đồng chí làm Phó Chính ủy, sau đó làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, đánh thắng nhiều trận quan trọng, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đoàn 316 đánh trận mở đầu, tiêu diệt cứ điểm Him Lam (ngày 13/3/1954), khai hỏa trận đánh Đồi A1, tham gia trận đánh quan trọng, tham gia trận đánh quan trọng cuối cùng bắt sống tướng Đờ Cátxtơri.
Năm 1957, đồng chí được giao giữ chức Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4. Năm 1958 được phong quân hàm Thiếu tướng, thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng năm 1974, Đại tướng năm 1980.
Đồng chí Chu Huy Mân là tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tụy với nước, với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo, hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí, có tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.
Tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, lòng tự hào dân tộc; khích lệ thế hệ trẻ noi gương các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp… trong năm 2023 sẽ diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.
Cụ thể, tổ chức Lễ dâng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Chu Huy Mân (xã Hưng Hòa, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An); hội thảo khoa học cấp bộ (ngành); xây dựng phim tài liệu về đồng chí Chu Huy Mân; xuất bản sách về đồng chí Chu Huy Mân; tổ chức triển lãm, văn hóa văn nghệ, thể thao… tùy theo điều kiện cụ thể của các địa phương, đơn vị…