Ảnh minh họa |
Sau 10 năm thi hành, Luật Du lịch đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành Du lịch. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Một số nội dung trong Luật Du lịch chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành. Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này có 10 chương, 79 điều, đã được bố cục theo hướng hợp lý hơn so với Luật Du lịch hiện hành.
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thêm về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, tránh quy định theo hướng nặng về quản lý, quy định cụ thể hơn các nội dung về các loại hình, điều kiện kinh doanh lữ hành, địa điểm kinh doanh …
Các đại biểu cũng đã dành thời gian thảo luận các vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi). Đa số ý kiến cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Tuy nhiên Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đặt vấn đề Luật ra đời có giải quyết được tình trạng trình tự thủ tục và các yêu cầu đặt ra quá chặt chẽ như hiện nay hay không?
Tại buổi thảo luận, các ý kiến cũng đề nghị quyền yêu cầu bồi thường có thể được kết hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính mà không nên hạn chế chỉ theo Luật này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều.
Việc xây dựng dự án Luật không chỉ nhằm thi hành Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thi hành Pháp lệnh hiện hành sau 4 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, dẫn đến tình hình vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong khai thác khoáng sản, đánh bắt hải sản, buôn bán phế liệu khó kiểm soát, các vụ việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng; nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị ban soạn thảo hoàn chỉnh dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan thẩm tra chính thức dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai sắp tới.