Theo số liệu từ Sở Công Thương các tỉnh: TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, tính đến chiều 27/3, gần 95% cửa hàng kinh doanh xăng dầu thực hiện xuất hoá đơn điện tử cho từng lần bán hàng. Công tác tập huấn, đôn đốc vẫn được triển khai liên tục đối với các cửa hàng còn lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Ngô Ngọc Nhân, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP. Cần Thơ chia sẻ, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thuế TP. Cần Thơ hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn triển khai lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Tính đến ngày 26/3/2024, đã có 237 trong tổng số 249 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP. Cần Thơ xuất hoá đơn điện tử cho từng lần bán, đạt 95,18%.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vùng Tây Nam Bộ đã xuất hoá đơn điện tử cho mỗi lần bán. |
Ông Phan Út Hiền, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, trong thời gian tới Sở Công Thương và Cục Thuế tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến ngày 27/3/2024, đã có 306 trong tổng số 323 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện xuất hoá đơn điện tử theo quy định, đạt 94,7%.
Riêng tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 24/3/2024, đã có 232/252 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện xuất hoá đơn điện tử sau từng lần bán hàng, đạt 92,1%.
Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh trên đã tự nguyện, nghiêm túc chấp hành theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Mốc thời hạn được Thủ tướng đưa ra là ngày 31/3 tới đây. Quá thời hạn này, các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng hạn lần này sẽ bị xử lý, chế tài nặng nhất là tạm dừng hoạt động, thu hồi giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh những thuận lợi khi triển khai thực hiện việc lập hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý Nhà nước cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc như trình độ, nhận thức của lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên bán hàng xăng dầu của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn hạn chế, việc vận hành ứng dụng các giải pháp công nghệ để lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế còn gặp khó khăn nhất định.
Hơn nữa, việc triển khai xuất hoá đơn đòi hỏi chi phí lớn và vị trí các cửa hàng xăng dầu phân tán, không tập trung nên các nhà cung cấp giải pháp có thời điểm chưa đáp ứng kịp thời được nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu.