Tình hình giải ngân các dự an đầu tư công, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương những tháng đầu năm đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, Hà Nội triển khai 9 dự án sử dụng vốn ODA trong năm 2021, với số vốn được giao là 8.654 tỷ đồng, nhưng đến ngày 22/7 giá trị giải ngân của các dự án mới đạt 1.161 tỷ đồng, đạt 13,42% kế hoạch giao.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, số vốn ODA mà các dự án tại địa phương đã giải ngân trong 6 tháng là 1.329 tỷ đồng, đạt 10,2% kế hoạch; TP. Hải Phòng đạt hơn 88,2 tỷ đồng, đạt 20,36% kế hoạch…
Cơ quan chức năng cho rằng, tiến độ giải ngân vốn ODA những tháng đầu năm 2021 thấp trước tiên do tác động nặng nề của dịch Covid-19, bởi hầu hết thiết bị của dự án phải nhập khẩu từ nước ngoài đều bị chậm tiến độ sản xuất và giao hàng. Gần đây, do diễn biến dịch tại các thành phố lớn ngày càng phức tạp, chính quyền đã thực hiện giãn cách xã hội, nên việc thi công các dự án phải tạm dừng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án ODA.
Một số dự án ODA chậm tiến độ do gặp khó trong khâu nhập khẩu thiết bị |
Ngoài nguyên nhân do dịch Covid-19, tình hình giải ngân vốn ODA chậm còn bởi, hầu hết các dự án sử dụng vốn vay ODA đều là dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, phải giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và nhiều công trình ngầm, nối. Song, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, giải phóng mặt bằng kéo dài làm phát sinh nhiều vấn đề; không ít dự án chưa thể triển khai do vướng mắc ở khâu hoàn thành thủ tục. Việc triển khai tổng thể dự án ODA của các bộ, ngành cũng chưa đúng tiến độ, làm ảnh hưởng đến việc triển khai, giải ngân các dự án nhánh tại các địa phương…
Nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng, Văn bản số 5515/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Coi giải ngân ODA là nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và tài chính ngân sách năm 2021 được giao. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt nhưng còn thiếu vốn.
Theo đó, đối với những trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đề ra, phải cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn được giao cần khẩn trương có văn bản đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong tháng 8/2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu hợp đồng, xin ý kiến "không phản đối" của nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán và gửi hồ sơ giải ngân, rút vốn tới Bộ Tài chính. Các chủ dự án cũng cần chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn ODA, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động làm việc với nhà tài trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc về giải ngân; đồng thời, cải cách, đơn giản hóa trình tự, thủ tục luân chuyển hồ sơ trong thanh toán, giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. |