Tại hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh - chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đánh giá trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Do đó, Hội thảo sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Hội thảo Du lịch 2021 lần này sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19 |
"Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch - một lĩnh vực quan trọng, có sức lan tỏa lớn trong quá trình phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch", ông Vinh nhấn mạnh.
Theo ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn tới đặt ra 5 quan điểm, nguyên tắc chủ đạo, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện gồm: Mở cửa, phục hồi du lịch gắn với phòng, chống dịch, quản trị rủi ro, khủng hoảng và thực hiện Nghị quyết 128.
Theo đó, cần xác định 3 mục tiêu cơ bản gồm: Thứ nhất là từng bước mở lại hoạt động du lịch chắc chắn, ổn định và an toàn; Thứ hai là khơi thông, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin, tạo điều kiện phục hồi thị trường du lịch. Thứ ba là nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu và tạo động lực phát triển mới cho ngành du lịch trong bối cảnh mới thông qua việc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành.
Ông Đoàn Văn Việt cho rằng, việc Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đã "mở ra bước ngoặt mới" cho ngành du lịch, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị để chuyển sang trạng thái mới, từ nghiệp vụ đến kiến thức và nhận thức.
Hội thảo du lịch 2021 nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nghiệp, địa phương tham gia |
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel nhận định, Du lịch Việt Nam có thể chỉ trở lại vào năm 2023, phải hoàn thành triển khai tiêm vacxin mũi 3. Thời gian ngắn sắp tới, Du lịch Việt Nam tập trung vào thị trường nội địa và kiều bào hồi hương. Muốn phục hồi ngành du lịch sớm đồng bộ, cần một số chính sách hỗ trợ, cần chiến lược tổng thể 2022-2025 từ phía Chính Phủ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ đưa ra nhiều giải pháp để hoạt động kinh doanh du lịch thích ứng với điều kiện mới. Trước tiên và trên hết, ngành du lịch cần tuân thủ và đề cao yếu tố an toàn; tạo sự linh hoạt trong cung ứng và tổ chức dịch vụ; đề cao tính chủ động của khách hàng trong việc tạo sản phẩm của mình; thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự kinh doanh của doanh nghiệp du lịch; thu gọn quy trình cung cấp sản phẩm du lịch và tập trung vào dịch vụ đầu – cuối…
Cần ưu tiên phục hồi giao thông, đi lại giữa các địa phương khi tỉ lệ tiêm vacxin ở Việt Nam đạt mức cao 96,4% mũi 1 và 76% mũi 2 cho đối tượng18 tuổi trở lên. Ưu tiên phục hồi các hệ thống dịch vụ, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, nhu ăn uống, di chuyển, vui chơi giải trí vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp…
“Cần có chính sách rõ ràng, định chế tài chính, chính sách từ Quốc hội, Chính Phủ xem xét giảm thuế, kéo dài thêm thời gian giảm, giãn thuế, các chính sách đủ độ thấm độ ngấm mới mong phục hồi du lịch. Năm 2022 Việt Nam chỉ trông chờ du lịch nội địa, chớp thời cơ mở cửa, kéo du lịch trở lại. Tuy nhiên, cần tính toán thị trường trọng điểm, kéo du khách trở lại, tránh tình trạng quay xe trong chính sách, nên cần chính sách thống nhất, nhất quán của Chính phủ để cho Doanh nghiệp du lịch nhanh chóng phục hồi trở lại” – ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Kỳ vọng trong năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng có rất nhiều tín hiệu tốt để khẳng định ngành du lịch Việt Nam sớm phục hồi. Cụ thể các hãng lữ hành, hãng hàng không thông tin rằng sẽ có số lượng khá lớn khách quốc tế trở lại trong thời gian tới, tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á, tiến tới châu Âu, cụ thể là Nga.
Tháng 1/2022, Việt Nam bước sang giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách quốc tế, với sự tham gia của Quảng Ninh, Đà Nẵng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất thêm hai địa phương đón khách là Bình Định, TP HCM và mở rộng hình thức đón khách bằng đường bộ, đường biển.