Ảnh minh họa |
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc mở cùng lúc “cửa” nhà nước, “cửa” địa phương và “cửa” ngân hàng là điều kiện tiên quyết. “Với việc sử dụng tới 51% lực lượng lao động, tạo ra trên 40% GDP, là khối có tỷ lệ nợ xấu thực tế rất thấp… nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chỉ sở hữu dưới 40% tổng nguồn vốn của khu vực công nghiệp là mâu thuẫn không thể tiếp tục kéo dài”, chuyên gia tài chính Nguyễn Đại Lai thẳng thắn nhìn nhận.
Liên quan đến “cửa” nhà nước, ông Lai cho rằng, phải xác lập cơ chế “số hóa” với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc số hóa này liên quan đến việc cung cấp những thông tin cốt yếu nhất của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến việc giảm dần thủ tục hành chính, thời gian thẩm định của ngân hàng đối với việc tiếp cận vốn, tiến tới xóa dần hình thức phải thế chấp tài sản khi vay vốn.
Ông Lai cũng đề xuất: Cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ của hiệp hội, ngành nghề theo hướng cho phép hiệp hội, ngành nghề có thể làm đầu mối tổ chức hình thành các định chế quỹ đầu tư hoặc các công ty tài chính. Từ đó, tạo các pháp nhân có đủ tư cách để phát hành các chứng chỉ quỹ hay trái phiếu công ty để thu hút vốn đầu tư.
Đối với “cửa” ngân hàng, theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tổ chức tín dụng cần đa dạng các sản phẩm, xây dựng quy trình tín dụng riêng với từng nhóm khách hàng. Mặt khác, chú trọng tuyên truyền quảng bá chương trình, sản phẩm tín dụng và tiện ích đi kèm, tạo thuận lợi cho giao dịch giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Một “cửa” khác rất quan trọng nhưng lâu nay ít được nhắc tới là chính quyền các địa phương. Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam- nhấn mạnh: UBND các tỉnh, thành phố cần có chính sách thúc đẩy hoạt động của Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Bên cạnh đó, đề xuất chính sách kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Việc tuyên truyền về chương trình mục tiêu phát triển kinh tế cần sát thực tế và phù hợp với đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp để họ có cơ sở xây dựng phương án kinh doanh khả thi.
Để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc mở cùng lúc “cửa” nhà nước, “cửa” địa phương và “cửa” ngân hàng là điều kiện tiên quyết. |