Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo Tăng cường các hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp điện mặt trời là bài toán cấp thiết |
Đây là 1 trong cuộc đối thoại được hiện thực hóa tại buổi làm việc trước đó giữa lãnh đạo Bộ Công Thương và Đại sứ quán Anh vào đầu tháng 2/2021.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - phát biểu tại buổi đối thoại |
Nhiều cơ hội hợp tác
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với sự quan tâm đó, hệ thống điện quốc gia Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đến hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đã đạt trên 69.000 MW.
Trong bối cảnh tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn trong huy động vốn do các cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, nguồn nhiệt điện khí có giá thành còn cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2030, tầm nhìn đến năm 2055. Trong đó nêu rõ mục tiêu, tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050. Kết quả, đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo chưa tính thủy điện đạt 25,3% tổng công suất toàn hệ thống. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, số dự án và lắp đặt nguồn điện mặt trời nổi và mặt đất đều tăng rõ rệt.
Ông Nguyễn Ninh Hải - Trưởng phòng Phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) – cho biết, tính đến năm 2020 có 148 dự án, tổng công suất 8.600MW. Điện mặt trời trên mái nhà có hơn 105 nghìn hệ thống lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất lắp đắt 9.731Mwp. Điện gió mặc dù đã có chính sách từ năm 2011, và sửa đổi năm 2019, tuy nhiên đến nay chỉ có 11 dự án, công suất lắp đặt chỉ có 511 MW. Ngoài ra, dự án điện từ chất thải rắn cũng chưa có nhiều.
Ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - cho rằng, tiềm năng của ngành năng lượng tái tạo rất lớn và sẽ tạo ra rất nhiều công việc cho người lao động Việt Nam |
Phát biểu tại buổi Đối thoại, ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi có tiềm năng rất lớn. Đặc biệt, ngành năng lượng tái tạo sẽ tạo ra rất nhiều công việc cho người lao động Việt Nam.
Tại Anh trước đây khoảng 30-40 năm thì ngành than, nhiệt điện than đã tạo ra số lượng công việc lớn, nhưng hiện nay số lượng việc làm trong ngành NLTT đã vượt qua con số đó. Hiện, giá điện năng lượng tái tạo đang giảm dần và giảm nhanh, như điện gió trên bờ và điện mặt trời đã rẻ hơn so với giá chi phí sản xuất điện than hơn 50% trong 7 năm trở lại đây và chắc chắn sẽ giảm tiếp.
“Năng lượng sạch chính là xu hướng toàn cầu, đầu tư cho năng lượng sạch với 1 USD đầu tư sẽ thu lại 3-8 USD, lợi nhuận là rất lớn”- ông Gareth Ward cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo tại Anh, ông Huub Den Rooijen – Giám đốc Năng lượng, Khoáng sản và Cơ sở hạ tầng của Crown Estate – công ty bất động sản sở hữu phần lớn đáy biển của Anh – cho biết, với tài nguyên thiên nhiên năng lượng tái tạo tuyệt vời, có hệ thống cảng biển, đường biển… hiện số lượng trang trại gió ở Anh và xứ Wales đã cung cấp 10% nguồn cung điện. Làm thế nào để đạt được kết quả đó, điều này đòi hỏi sự cân đối lợi ích giữa ngành điện và nhiều bên liên quan khác nhau, như các tổ chức đánh bắt hải sản, quy hoạch chính phủ, để tận dụng tối ưu khu vực đáy biển, phát triển điện gió.
“Vì vậy, cần có sự đối thoại giữa thị trường và Chính phủ. Bên cạnh đó cần minh bạch tốt về ngành này hơn nữa và có cơ sở dữ liệu truy cập về điện gió ngoài khơi”- ông Huub Den Rooijen nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, tại buổi đối thoại, các nhà đầu tư cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tăng cường tính minh bạch, dễ dự đoán trong dài hạn, từ đó có thể tính toán được chi phí sản xuất, so sánh các phương án đầu tư khác. Bên cạnh đó, trong tương lai khi phát triển điện gió ngoài khơi sẽ có hỗ trợ cho các nhà đầu tư xử lý trực tiếp ở cấp trung ương hay cấp tỉnh.
Liên quan về vấn đề này, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo – thông tin thêm, hiện Việt Nam chỉ có 1 Quy hoạch phát triển điện lực chung cho tất cả nguồn điện từ năm 2021 – 2030, tính đến năm 2045 bao gồm các loại hình bao gồm nguồn điện sử dụng than, khí, năng lượng tái tạo. Trong đó, điện gió, điện mặt trời, sinh khối… Không có quy hoạch riêng về phát triển điện mặt trời, điện gió riêng biệt. Kế hoạch phát triển nguồn điện trong giai đoạn từ năm 2021- 2030 cũng đã xác định đầy đủ với các dự án trọng điểm, ưu tiên. Trong đó tập trung năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khí đốt, năng lượng gió, mặt trời.
Đối với việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, Bộ Công Thương là đầu mối quan trọng quản lý điện nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng; chịu trách nhiệm tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo, công tác quy hoạch, phát triển điện, điện năng lượng tái tạo, công tác quản lý kỹ thuật, và các dự án cụ thể. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không phải ban hành chủ trương đầu tư của từng dự án mà theo Luật đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, Thủ tướng Chính phủ.
“Với quá trình phát triển năng lượng tái tạo, trong những năm vừa qua, học tập kinh nghiệm từ nhiều nước, Việt Nam đã áp dụng mô hình mô hình giá cố định. Tuy nhiên, công nghệ điện gió và điện mặt trời trong thời gian qua tiến bộ nhanh chóng nên giá thành sản xuất điện ngành này cũng giảm nhanh, vì vậy giá cố định không thể duy trì thời gian dài được. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, có giá để áp dụng năng lượng tái tạo mang tính minh bạch, công khai, cạnh tranh rõ ràng”- ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến, có sự tham dự của nhiều nhà đầu tư về năng lượng tái tạo của Anh |
Sẽ có cơ chế riêng về điện gió ngoài khơi
Riêng với điện gió ngoài khơi, loại hình điện năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng khai thác lớn do có vùng biển rộng lớn, do số vận hành trong năm cao… đang bắt đầu nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, trong đó có Chính phủ Anh. Từ đó tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm khai thác nguồn tiềm năng thiên nhiên này, cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ góp phần gia tăng việc làm, từng bước gia tăng năng lực sản xuất trong nước và gia tăng tỷ trọng nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Ông Ian Hatton - Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy của Anh – cho rằng, cần cơ chế hỗ trợ riêng trong 1 thập kỷ về phát triển điện gió ngoài khơi. Trong khi đó, theo ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Mainstream Renewable Power, điện gió ở Việt Nam có tương lai tốt nếu Chính phủ có cơ chế hỗ trợ phù hợp để cho các dự án tham gia đấu lưới. Dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn, các điểm truyền tải giải quyết giảm áp lực cho lưới, các trung tâm có thể điều khiển hệ thống dễ hơn.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Ninh Hải cho biết, hiện nay, cơ chế này đang bắt đầu tiến hành nghiên cứu, với phạm vi khá rộng, từ đấu thầu, giá cố định, cơ chế giá khác nếu có. Sau đó mới có thể so sánh, phân tích, đánh giá, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch trong 2 năm tới sẽ thực hiện công việc này.
Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo với các chính sách như mua bán điện trực tiếp và cơ chế đấu thầu cạnh tranh. “Hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phru Anh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, lĩnh vực mà Anh đã có nhiều kinh nghiệm phát triển, Việt Nam có tiềm năng và mong muốn thúc đẩy phát triển”- ông Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh.