Để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhiều chương trình, chính sách của Chính phủ đã được các bộ, ngành triển khai, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đầu tư cho khoa học - công nghệ còn thấp
Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều các quốc gia trong khu vực như Lào với 14,5%; Philippines 3,6% và Malaysia 2,6%. Đó là thông tin được bà Nguyễn Lệ Thuỷ - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo đưa ra tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo với chủ đề: Kết nối chính sách với DN Việt Nam, diễn ra ngày 15/12, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Các đại biểu tham dự sự kiện |
Cũng theo bà Nguyễn Lệ Thuỷ, năm 2020, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng tỷ lệ chi cho đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ của Việt Nam còn rất hạn chế. Về phía Nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học - công nghệ, bao gồm cả khu vực Nhà nước và tư nhân chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore với 2,22%; Malaysia với 1,44% và Thái Lan 0,78%...
Một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho thấy, phần lớn các DN thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị”, chiếm 39,4% DN, hoặc “nâng cấp, chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại”, khoảng 39,3% mà ít có nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, có khoảng 80% DN cho biết, họ chưa hợp tác với đơn vị, tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Theo đại diện một số DN, một trong những khó khăn, gây cản trở cho DN tham gia đổi mới sáng tạo đó là, đổi mới sáng tạo là làm một cái gì đó khác đi so với hiện tại, nên đòi hỏi cần có sự thống nhất, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo về nhận thức, chủ trương, chính sách cũng như nguồn vốn đầu tư. Cùng với đó, DN Việt Nam với khoảng 98% là DN nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về công nghệ, nguồn vốn và cả đội ngũ lao động chất lượng cao. Điều đó cũng gây ra cản trở cho họ trong đầu tư đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh khó khăn về năng lực nội tại của DN, dịch Covid-19 diễn ra tại Việt Nam từ đầu năm 2020 và diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã khiến GDP quý III/2021 giảm sâu với 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Trên bình diện DN, năm 2021 cũng là năm ghi nhận số DN phải tạm ngừng hoạt động, rời khỏi thương trường tăng cao kỷ lục, khoảng 150.000 DN.
Các bộ, ngành đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo |
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Đại diện cho Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH&CN, TS. Chử Đức Hoàng nhận định, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều DN gặp khó khăn về nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển, trích lập quỹ phát triển, tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tài chính và duy trì hệ sinh thái nhà trường - nhà khoa học - nhà DN bền vững. Để hỗ trợ cộng đồng DN, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, đã và sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy DN đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo gồm các mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ; từng bước thực hiện bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho DN có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT - cho biết: Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu cho cả nền kinh tế và DN Việt Nam là, cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu. Theo đó, để tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, NIC được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đang trực tiếp hỗ trợ DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận các nguồn lực để đẩy nhanh mô hình tăng trưởng. Theo đó, NIC mong muốn kết nối, hỗ trợ các DN để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Cùng với đó, NIC có nhiều hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối các doanh nhân, tri thức trong và ngoài nước phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ KH&ĐT - cho biết, ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, hướng dẫn chi tiết Điều 20 của Luật Hỗ trợ DNNVV về Quỹ. Theo đó, hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với các chức năng cho vay, tài trợ vốn là một trong những giải pháp cấp thiết để hỗ trợ tài chính cho DNNVV trong bối cảnh “khát vốn” ngày càng lớn.
Đặc biệt, Quỹ mong muốn hỗ trợ tài chính cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị. Mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD) với lãi suất ưu đãi và thời gian vay tối đa không quá 7 năm. Các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo muốn vay vốn chỉ cần có dự án, phương án SXKD khả thi; đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án SXKD tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án SXKD và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án SXKD; đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay quy định pháp luật có liên quan.
Trong khi đó, theo bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), đơn vị này đã và đang thực hiện nhiều hoạt động, hỗ trợ các DN chuyển đổi số. Theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, thì DNNVV được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số; DN được hỗ trợ chi phí để thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hoá, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh…
Bên cạnh những nỗ lực từ Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN, người dân đổi mới, hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh CMCN 4.0, vì một Việt Nam xanh, thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ KH&ĐT đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc. |