Nghi vấn tư lợi trong điểu chỉnh quy hoạch
Báo cáo trước Quốc hội về kết quả của Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, xuất phát từ sự quan tâm của cử tri đối với thực trạng phát triển nhanh chóng của các đô thị thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nghị định thành lập Đoàn giám sát về nội dung về đất đai đô thị. Đoàn giám sát đã làm việc với Chính phủ, 7 bộ, ngành, 12 địa phương, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn và khảo sát tại 40 dự án sử dụng đất tại đô thị.
Kết luận của Đoàn giám sát cho thấy nhiều tồn tại trong công tác quy hoạch, sử dụng đất cũng như công tác quản lý xây dựng… đã gây ra nhiều hệ luỵ, đặc biệt, nhiều vụ việc khiếu kiện đông người cũng có nguyên nhân từ vấn đề trên.
Nổi lên trong phiên thảo luận là công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Theo các đại biểu Quốc hội, dù việc lập quy hoạch đô thị đã và đang góp phần tạo ra không gian môi trường hiện đại nhưng quy hoạch sử dụng đất cơ bản chỉ dừng lại ở việc chuẩn bị diện tích đất theo phân loại và theo nhu cầu sử dụng và chủ yếu tập trung vào tiêu chí diện tích loại đất sẽ đưa vào sử dụng trong kỳ quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương chứ chưa có nội dung phân vùng quốc gia sử dụng đất.
Đặc biệt, trong quá trình quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, vai trò tham gia của người dân, doanh nghiệp là khá mờ nhạt. Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) phân tích, trong quá trình triển khai quy hoạch, việc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế là cần thiết nhưng nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi hoặc theo tư duy chủ quan, thậm chí điều chỉnh theo đề xuất của chủ đầu tư.
“Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đặc biệt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, dẫn đến phá vỡ quy hoạch ban đầu” - đại biểu Giang thẳng thắn nhận định.
Chỉ ra nguyên nhân, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, hạn chế của công tác quy hoạch có nguyên nhân do thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc đưa ra dự báo phát triển kinh tế - xã hội, thiếu tầm nhìn bao quát dài hạn nên chất lượng quy hoạch đô thị chưa cao, thiếu đồng bộ và thiếu khả thi. Do đó, không ít quy hoạch sau khi được phê duyệt tổng thể đã phải điều chỉnh nhiều lần. Nhiều khu vực đã quy hoạch và triển khai thực hiện nhưng cơ quan quản lý vẫn điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân, làm cho quy hoạch bị thay đổi, gây bức xúc cho người dân.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Báo cáo giám sát chỉ rõ, việc xây dựng công trình cao tầng có xu hướng co cụm, tập trung vào khu vực trung tâm các đô thị lớn, tỷ trọng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lên tới 80% là bất hợp lý |
Từ những phân tích này, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý về quy hoạch, kiến trúc, cơ quan thẩm định quy hoạch để trả lời trước cử tri và nhân dân.
Nhà nước và nhân dân đều thiệt
Không chỉ vấn đề quy hoạch được mổ sẻ, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc tính toán giá đất khi Nhà nước thu hồi đất không sát với giá thị trường là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, gây mất an ninh, trật tự xã hội. Theo đó, các đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông), Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) khẳng định, việc xác định khung giá đất của Chính phủ và xác định bảng giá đất của các địa phương rất khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến việc tính toán giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách không sát với giá thị trường, làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện và làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Việc tính toán giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách không sát với giá thị trường, làm thiệt hại cho người dân và làm thất thu ngân sách Nhà nước. |
Các đại biểu đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện các phương pháp tính giá đất để các địa phương xác định bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn và sát hơn với giá thị trường, đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
“Luật Đất đai quy định, việc xác định khung giá đất cụ thể dựa trên cơ sở điều tra, thông tin về thửa đất, giá đất thị trường, thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu về đất đai” - dẫn quy định của luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích thêm, giá để tính các loại thuế đất căn cứ vào bảng giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành mà không căn cứ vào giá trị thực ghi trên hợp đồng giao dịch, trong khi đó, thông tin giá đất thị trường và thông tin cơ sở dữ liệu đất đai không chính xác nên rất khó xây dựng cơ sở dữ liệu đất thị trường, giá đất thường thấp hơn giá trị thực. Thêm nữa, việc thẩm định giá đất do Hội đồng thẩm định giá đất do chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố làm chủ tịch nên khó có thể bảo đảm tính khách quan. Do đó, đại biểu đề nghị việc đề xuất giá đất nên giao cho một tổ chức cung cấp giá đất tổng hợp thực hiện.