Mạng xã hội đang xôn xao hình ảnh một bảng điện tử trên cổng chào xã nông thôn mới An Sơn (ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) có dòng chữ lạ thay thế cho nội dung tuyên truyền từ trước tới nay. Cụ thể, dòng chữ "Nhà cái đến từ châu Phi" chạy nhiều lần bằng đèn led màu đỏ.
Đại diện lãnh đạo xã An Sơn cho biết ngay khi phát hiện, người dân đã thông báo cho chính quyền địa phương để tắt bảng điện tử. Dòng chữ nói trên chỉ xuất hiện khoảng 10 phút.
Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An cho biết, sau khi nắm được sự việc cũng đã yêu cầu phòng văn hóa thông tin và trung tâm văn hóa phải có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các nội dung tuyên truyền trên các cổng thông tin điện tử của TP Thuận An. Đồng thời mời cơ quan chức năng vào cuộc.
Tương tự, một nam thanh niên chuyên làm biển LED tại TP. Hồ Chí Minh mới đây cũng đã phải "kêu cứu" trên một nhóm Facebook của những người chuyên làm quảng cáo vì tình trạng bảng hiệu của khách hàng liên tục bị can thiệp nội dung.
Anh cho biết, bảng này được thiết lập thông qua ứng dụng smartphone. Tuy nhiên không lâu sau khi cài đặt, bảng LED lại bị sửa thành nội dung khác mà anh không thể kiểm soát.
Các bảng điện tử LED bị thay đổi nội dung thường là các bảng LED cũ hoặc bảng LED có xuất xứ không rõ nguồn gốc. (Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin) |
Những ngày gần đây, trong quá trình giám sát trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện tình trạng bảng điện tử quảng cáo LED của các cá nhân, tổ chức trên một số địa bàn thuộc các địa phương trên cả nước bị thay đổi nội dung hiển thị.
Ngày 22/11, Cục An toàn thông tin cho biết, từ cuối tháng 10 đến nay, tình trạng này được ghi nhận trên khắp cả nước, trong đó bảng điện tử quảng cáo bằng đèn LED của nhiều cá nhân, tổ chức bị xâm nhập và đổi thông tin hiển thị.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, phần lớn bảng hiệu bị can thiệp đều là sản phẩm đời cũ hoặc có xuất xứ không rõ ràng. Chỉ cần điện thoại kết nối chung wifi với bảng LED, người dùng có thể thay thông tin bằng cách sử dụng một số ứng dụng, như Led Art trên smartphone.
Trong các trường hợp được ghi nhận, Cục An toàn thông tin cho biết người quản lý bảng hiệu chủ yếu sử dụng mật khẩu wifi mặc định hoặc dễ đoán như 88888888, 11111111, 12345678.
Việc hàng loạt bảng LED bị sửa nội dung còn xuất phát từ trào lưu trên mạng xã hội. Cục An toàn thông tin cho rằng hàng loạt video trên TikTok, Facebook đã góp phần lan truyền cách làm này.
"Các bạn trẻ coi đây là chiến tích để khoe khoang, dẫn đến nhiều người học và làm theo, khiến tình trạng này xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước", đại diện Cục An toàn thông tin nói.
Để khắc phục, đơn vị này khuyến nghị cá nhân, tổ chức sử dụng bảng quảng cáo LED cần kiểm tra, rà soát mật khẩu wifi đang sử dụng, đổi sang mật khẩu khác phức tạp và khó đoán hơn. Trong trường hợp có thể thiết lập bảng LED bằng kết nối dây cáp, người dùng cũng được khuyến nghị nên tắt wifi để tránh bị truy cập trái phép.