Khiếu nại của Nhật Bản là bước đi đầu tiên trong tranh chấp pháp lý, cho biết Ấn Độ đã tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước bằng cách điều chỉnh các loại thuế khác nhau bao gồm cả thuế hải quan, đặc biệt kể từ khi nước này phát động chiến dịch “made in India” vào tháng 9 năm 2014.
Nhật Bản cho biết một số mức thuế đối với hàng hóa có lợi ích đáng kể đối với Nhật Bản giờ đây rõ ràng là vượt quá mức thuế suất cho phép của WTO. Các điều khoản thành viên WTO của Ấn Độ quy định rằng thuế nhập khẩu đối với tất cả các hàng hóa đang tranh chấp là 0%, nhưng Ấn Độ áp dụng mức thuế 20% đối với điện thoại di động và mức thuế 10%, 15% và 20% đối với các sản phẩm khác.
Dữ liệu thương mại do Trung tâm thương mại quốc tế Liên HIệp Quốc và WTO cung cấp, cho thấy Nhật Bản chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nhập khẩu điện thoại di động của Ấn Độ, trị giá 53 triệu USD năm 2011 và 43 triệu USD trong năm 2012, nhưng chưa đến 2 triệu USD trong tất cả các năm còn lại của thập kỷ qua. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu điện thoại di động từ Trung Quốc, mặc dù thị hiếu về điện thoại nước ngoài đã giảm nhanh, với tổng nhập khẩu giảm từ mức cao nhất năm 2014 là 7,1 tỷ USD xuống dưới 1,5 tỷ USD trong năm 2018.
Ấn Độ nhập khẩu bộ chuyển đổi và bộ định tuyến, tổng trị giá 5,7 tỷ USD trong năm 2018, chủ yếu từ Trung Quốc và Việt Nam, trong khi nhập khẩu từ Nhật Bản trị giá 52 triệu USD, tức là chưa bằng 1% thị trường nhập khẩu Ấn Độ. Theo quy định của WTO, Ấn Độ có 60 ngày để giải quyết tranh chấp, nhưng sau đó, Nhật Bản có thể yêu cầu WTO thành lập một hội đồng xét xử để phán quyết liệu thuế quan của Ấn Độ có phá vỡ các quy tắc này hay không.