Trước đó, vải thiều tỉnh Bắc Giang cũng được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới.
Việc được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác |
Việc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn đã khẳng định chất lượng vải thiều Lục Ngạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là thị trường "khó tính" như Nhật. Việc được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác.
Hiện toàn huyện Lục Ngạn có hơn 15.000ha vải thiều, tập trung tại các xã như Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn. Trong đó, nhiều diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ… giúp sản phẩm vừa có mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, vải ra hoa đạt tỷ lệ hơn 90%, sinh trưởng phát triển tốt, người dân đang tập trung các biện pháp chăm sóc để vải đậu quả.
Vụ sản xuất năm 2021, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 28.000 ha. Trong đó, diện tích vải sớm gần 7.000 ha, vải chính vụ hơn 21.000 ha; sản lượng dự kiến đạt khoảng 160.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến đạt trên 15.000 ha; vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 338 ha.
Vụ vải thiều năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản đạt tổng sản lượng khoảng 200 tấn vải.
Năm nay, đối với thị trường Nhật, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo sản xuất 19 mã số vùng trồng đã được cấp năm 2020; đồng thời rà soát mở rộng thêm một số vùng, nâng tổng diện tích vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 130 ha. Hiện Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đánh giá, thẩm định để cấp mã số vùng trong thời gian tới.