Phương án giải quyết chế độ cho người lao động đối với đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội Bảo đảm quyền lợi chế độ cho người lao động tại doanh nghiệp phá sản |
Ngay sau diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”, ngày 26/5 còn diễn ra hội nghị đánh việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo kết quả tại hội nghị |
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, năm 2023, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai công tác phối hợp, bảo đảm hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và yêu cầu thực tiễn.
Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thiết thực, tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động, nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở của công nhân, người lao động…
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích cực phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ. Tổng Liên đoàn đã ban hành thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng…
Tại hội nghị này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nêu lên nhiều kiến nghị của người lao động; trong đó đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến quyền và lợi ích của người lao động, hoạt động công đoàn khi xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động...
Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là doanh nghiệp chậm hoặc không trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động...
Vấn đề đáng chú ý nhất hiện nay là có hàng trăm nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản… Do đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát danh sách, có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề quyền lợi của người lao động bị "treo" tồn tại nhiều năm liền. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xử lý cơ bản. Cụ thể, các cơ quan đã xử lý được hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể...
Tại hội nghị này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất xóa nợ bảo hiểm xã hội đối với 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn bằng chính nguồn kết dư của quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Số liệu của các cơ quan bảo hiểm xã hội cho thấy, có 206.000 lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh đã phá sản, giải thể trên cả nước thời gian qua vẫn đang được giải quyết các chế độ theo quy định. Tính đến tháng 6/2023, có 30.241 người lao động đã được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần; 34.575 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng, đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới. Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và đảm bảo chế độ cho người lao động.
Trọng tâm công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong năm 2024: Hai bên phối hợp nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động, như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi); phối hợp xây dựng phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. |