Kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai – Bộ Y tế nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế, các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Theo ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kháng thuốc như: sử dụng kháng sinh không thích hợp trong điều trị và chăn nuôi, bác sĩ lạm dụng kháng sinh, người dân tự ý mua, dược sĩ bán thuốc không cần đơn. Vấn đề chủ yếu là nhận thức của người dân và cán bộ y tế còn hạn chế.
Nhằm kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội đối với việc phòng chống kháng thuốc, từ ngày 16-22/11/2015 Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tổ chức Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc. Trong Tuần lễ truyền thông này sẽ diễn ra nhiều sự kiện như: tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống kháng thuốc; Tổ chức hội nghị, hội thảo, mít tinh về phòng, chống kháng thuốc ở tất cả các địa phương, các cơ sở y tế; Phát động ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, trong đó 90% cam kết được thực hiện tại trang fanpage: “Tuần lễ Kháng Thuốc Kháng Sinh 2015 - AMR Week 2015 Viet Nam” và 10% chữ ký trực tiếp của các cán bộ, nhân viên y tế và người dân…
Nhân sự kiện này, một lần nữa các chuyên gia khuyến cáo, mỗi dân hãy là người tiêu dùng thông thái, chỉ nên mua kháng sinh theo đơn của bác sĩ và sử dụng đúng theo hướng dẫn. Các y bác sĩ tuân thủ đúng hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh khi thực sự cần thiết. Việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi cũng cần được kiểm soát chặt chẽ.
Kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy tiền thuốc chiếm trung bình 48% chi phí điều trị. Trong tiền thuốc, kháng sinh khoảng 17%. Tỷ lệ thuốc kháng sinh được sử dụng là 33%. Thuốc kháng sinh âm thầm đi vào cơ thể con người qua chuỗi thức ăn. |