Kết nối cung cầu cho các sản phẩm nông sản đạt chứng nhận sinh thái công bằng “Đòn bẩy” cho sản phẩm đạt chứng nhận sinh thái công bằng |
Ông Cù Huy Quang - Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết: Về hình thức, nhãn sinh thái có thể mang tên gọi khác nhau ở từng nước. Tuy nhiên, dù được hiểu theo cách nào, nhãn sinh thái đều cho thấy mức độ giảm thiểu tác động xấu của sản phẩm đến môi trường trong tất cả các giai đoạn hoặc trong một giai đoạn vòng đời sản phẩm, từ lúc khai thác nguyên, nhiên liệu để làm đầu vào cho quá trình sản xuất, đóng gói sử dụng, loại bỏ sản phẩm đó.
Công ty CP Bóng đèn Điện Quang tham gia dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm đèn led. Ảnh: Điện Quang |
“Nhãn sinh thái chỉ được cấp cho những sản phẩm ít tác động xấu tới môi trường nhất so với các sản phẩm khác có cùng chức năng. Về bản chất, nhãn sinh thái là một thông điệp truyền tải tính ưu việt đối với môi trường của sản phẩm” - ông Quang cho hay.
Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 đã đưa ra các mục tiêu như: Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm 7 -10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như: Dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu - bia - nước giải khát; 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy...
Do đó, thiết kế sinh thái và nhãn sinh thái là một nội dung trọng tâm của chương trình. Việc thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái, cần xây dựng, vận hành hệ thống chứng nhận và dán nhãn sinh thái gồm nhãn xanh, nhãn năng lượng, nhãn carbon, nhãn tái chế và các nhãn sinh thái khác; xây dựng và áp dụng các phương pháp luận, công cụ đánh giá, tính toán phát thải theo vòng đời sản phẩm, các công cụ tính toán suất tiêu hao nhiên liệu, nguyên vật liệu; xây dựng, áp dụng và vận hành hệ thống chứng nhận nhãn du lịch bền vững, nhãn xanh cho cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cũng như cho các ngành sản xuất…
Bên cạnh thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn, nhãn sinh thái còn là một trong các biện pháp nhằm thông tin và giáo dục người tiêu dùng về các lợi thế môi trường của sản phẩm, đồng thời có thể tạo ra các áp lực đòi hỏi và khuyến khích đổi mới dẫn tới việc giảm các tác động môi trường trong sản xuất và tiêu thụ.
Để quản lý và bảo vệ môi trường, ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) - cho rằng: Bên cạnh các công cụ pháp luật, truyền thông, nhiều quốc gia đã sử dụng các công cụ kinh tế mang tính mềm dẻo hơn, trong đó, sử dụng nhãn sinh thái được xem là một biện pháp thuộc nhóm công cụ kinh tế nhằm khuyến khích người tiêu dùng và nhà sản xuất bảo vệ môi trường thông qua việc khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, để khuyến khích các ngành hàng tư nhân xây dựng nhãn sinh thái, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, quản lý khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, thiết kế bền vững..., phải thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững, thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.
Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh mua sắm bền vững, nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải…