Cánh đồng rau cho thu hoạch cao ở xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) |
Nghệ An hiện có 463 hợp tác xã nông nghiệp với 227.893 thành viên. Hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp khá đa dạng, nhưng chủ yếu là các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chiếm khoảng 70% tổng số các hợp tác xã nông nghiệp, với hoạt động chính là thực hiện các khâu dịch vụ cơ bản cho sản xuất của hộ nông dân.
Quỳnh Liên là một trong những xã chuyên canh rau màu hàng hóa lớn nhất ở Nghệ An. Tuy nhiên, bà con lâu nay vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, chưa thực sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để giúp bà con nâng cao nhận thức, sản xuất rau an toàn, Hợp tác xã Thành An xã Quỳnh Liên đã nỗ lực liên doanh, liên kết, năng động tìm cho mình những cách làm phù hợp để duy trì phát triển, đem lại lợi ích cho các thành viên.
Xã Quỳnh Liên hiện có 65 ha diện tích trồng su su, sản lượng su su toàn xã đạt 6.500 tấn/năm, doanh thu đạt trên 13 tỷ đồng. Chị Trần Thị Hà, xóm 7, xã Quỳnh Liên cho biết: “Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trồng rau màu an toàn đã mang lại thu nhập cao gấp hơn 5 lần so với trồng lúa trước đó. Chúng tôi cũng rất vui vì không phải lo việc bao tiêu sản phẩm, giờ chỉ có việc sản xuất rau theo đúng quy trình VietGap mà hợp tác xã hướng dẫn".
Hiện nay, trên địa bàn xã Quỳnh Liên có trên 20 đầu mối thu gom sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Các sản phẩm rau màu của xã Quỳnh Liên đã tiếp cận được với thị trường Hà Nội và chợ đầu mối các tỉnh Huế, Đà Nẵng, Thanh Hoá…
Ông Vũ Xuân Thanh - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành An cho biết: “Hợp tác xã đã đưa giống, phân… đến tận nhà cho các hộ xã viên đã đăng ký với giá rẻ hơn thị trường 5%, cho mua nợ không tính lãi trong thời gian nhất định hoặc đến cuối vụ thanh toán…”.
Niềm vui được mùa của bà con xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lưu |
Hợp tác xã Toàn Thắng xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu lại là một trong số những hợp tác xã bứt phá tìm hướng sản xuất mới bằng cách liên kết với doanh nghiệp đặt hàng, bao tiêu sản phẩm, nâng giá trị thu nhập cho thành viên. Từ chỗ hợp tác xã chỉ chuyên sản xuất lúa đủ phục vụ lương thực và một phần dùng làm thức ăn chăn nuôi, kinh tế hộ thành viên không phát triển, giá trị thu nhập chỉ từ 36 – 40 triệu đồng/ha/vụ, nay chuyển sang trồng các loại cây trồng khác theo hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, doanh thu của hộ thành viên tăng hơn so với trồng lúa từ 30 – 50%.
Ông Hoàng Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Toàn Thắng cho biết, từ khi chuyển đổi theo luật Hợp tác xã, chúng tôi đã tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp, đảm bảo uy tín trong xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững cho doanh nghiệp. Từ đó tổ chức sản xuất các loại sản phẩm hàng hóa nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Mặc dù hoạt động theo các mô hình khác nhau, nhưng các Hợp tác xã nông nghiệp ở Nghệ An đã và đang đáp ứng yêu cầu trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất, đời sống của các hộ thành viên. Các tổ hợp tác đã giúp hội viên thực hiện một số dịch vụ “đầu vào” trong sản xuất và dịch vụ “đầu ra”, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm... giúp nhau làm kinh tế, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.