Kết quả bước đầu
Theo Đề án này, việc xây dựng NTM của huyện Xuân Lộc tập trung vào 6 nhóm tiêu chí và 29 chỉ tiêu, gồm: Quy mô sản xuất; kết cấu cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học - công nghệ; hiệu quả và bền vững của sản xuất; xây dựng mô hình kiểu mẫu về sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.
Từ khi triển khai thực hiện Đề án, UBND huyện đã đạt được một số kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn của Xuân Lộc có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
![]() |
Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả |
Theo đó, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao như thanh long, xoài, sầu riêng, cây có múi, rau... đã đạt được 2.582 ha, tăng 301 ha so với năm 2018; huyện cũng đã nhân rộng 24 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất có nhiều tiến bộ, hiện có 11 loại sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt); xây dựng được 15 mã vùng trồng trên các loại cây: Xoài, thanh long, chôm chôm; duy trì 6 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và đang tiếp tục xây dựng mới thêm 4 chuỗi liên kết trên cây rau, xoài... Theo đó, giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp vào năm 2019 là 163,2 triệu đồng, tăng 12,3 triệu đồng so với năm 2018, ước thực hiện năm 2020 là 170 triệu đồng; xây dựng được 49 nhãn hiệu hàng hóa (tăng 37 nhãn hiệu so với năm 2018) và 2 sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là dưa lưới và trứng gà sạch được tỉnh Đồng Nai công nhận đạt tiêu chuẩn hạng 3, 4 sao...
Thu nhập bình quân đầu người đạt 61,57 triệu đồng vào năm 2019, tăng 2,23 triệu đồng so với năm 2018. Tỷ lệ đạt chuẩn chỉ tiêu đường huyện quản lý đạt 100%, tăng 3,93% so với năm 2018; 100% chợ đạt chuẩn chợ văn hóa...
Đối với chỉ tiêu huyện kiểu mẫu theo Đề án về "phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững" giai đoạn 2018-2025, đến nay, huyện đạt được 18/29 chỉ tiêu, so mục tiêu đề ra còn 11 chỉ tiêu chưa đạt.
![]() |
Các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bắt đầu hình thành |
Rà soát, cân đối nguồn lực
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM kiểu mẫu của huyện Xuân Lộc vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Theo đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhưng chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Sản xuất nông nghiệp tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, xây dựng các chuỗi liên kết, thương hiệu hàng hóa nông sản còn hạn chế. Liên kết bước đầu có hình thành, nhưng phạm vi hẹp, chưa bền vững.
Thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, phần lớn nông dân bán sản phẩm qua nhiều lớp trung gian, giá cả nông sản bấp bênh, chưa có chính sách hỗ trợ của nhà nước khi giá nông sản xuống thấp. Hiện tại, một số vùng trên địa bàn chưa có hệ thống thủy lợi nên không đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao...
Để thực hiện hoàn thành xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, thời gian tới, huyện Xuân Lộc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh, Đề án xây dựng NTM của huyện. Bên cạnh đó, chủ động rà soát và xác định cụ thể danh mục các dự án đầu tư về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2018-2025 đã đề ra trong Kế hoạch thực hiện Đề án huyện NTM kiểu mẫu như: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… Qua đó, huyện cân đối hoặc kiến nghị tỉnh bổ sung các nguồn vốn và phối hợp với các ngành liên quan phân kỳ thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án trực tiếp phục vụ sản xuất, các dự án thuộc các xã nằm trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của huyện và các xã.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các tiểu vùng chuyên canh tập trung với mục tiêu cơ bản là nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững...
Cùng với sự nỗ lực từ phía địa phượng, huyện Xuân Lộc đề nghị trung ương sớm quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm điện La Ngà phục vụ tưới sản xuất cho 3 xã Xuân Bắc, Xuân Thọ và Suối Cao (huyện Xuân Lộc) nhằm phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 3.365 ha. Đồng thời, bố trí kinh phí từ Chương trình Khoa học - Công nghệ phục vụ xây dựng NTM để huyện Xuân Lộc thực hiện dự án: "Ứng dụng khoa học - công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường và phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai". Hỗ trợ kết nối, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Xuân Lộc để giải quyết tốt khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Theo báo cáo của UBND huyện Xuân Lộc, đến năm 2014, huyện có 14/14 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM và huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. |