Đăng ký mua vàng trực tuyến là bài test “nhân phẩm”
Hơn 1 tháng nay, giá bán vàng miếng SJC được niêm yết tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC “đóng băng” ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Mức giá này chỉ cao hơn giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng.
Dù giá vàng SJC được đánh giá là rất “phải chăng” nhưng không phải ai muốn cũng mua được. Chia sẻ về hành trình mua vàng của mình, chị Minh Thùy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, sau khi nhận thông tin các ngân hàng bán vàng miếng SJC trực tuyến, chị đã rất vui mừng vì thời điểm các ngân hàng bán trực tiếp rất đông người xếp hàng, mà bản thân chị bận công việc không thể bỏ thời gian xếp hàng. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” vì theo chị, quá trình đăng ký mua vàng trực tuyến còn gian nan hơn xếp hàng.
“Ròng rã cả gần tháng trời cứ vào đầu giờ sáng - chiều tôi đều vào website của các ngân hàng để đăng ký mua vàng, nhưng đều thất bại. Nhiều lúc nghĩ hay ngân hàng chỉ để đăng ký cho có, chứ không bán vàng nữa” - chị Thùy chia sẻ.
Tương tự, trong lúc giá vàng đang thấp, anh Quang Nam (ở Thanh Xuân- Hà Nội) được vợ “giao nhiệm vụ” mua 1 lượng vàng SJC để trả nợ. Cũng ròng rã vào website ngân hàng đăng ký mua vàng trực tuyến và nhận thất bại hết ngày này đến ngày khác.
Tuy nhiên, may mắn hơn chị Thùy, vào sáng 11/7, anh Nam đã đăng ký mua vàng thành công trên website của VietinBank. Sau khi “báo cáo” vợ và chia sẻ niềm vui này trên Facebook trang cá nhân, anh mới biết rất nhiều người giống mình, mãi không mua được vàng.
“Bạn bè tôi thi nhau vào “xin vía”, mọi người còn trêu đùa vui là đăng ký mua vàng trực tuyến là bài test “nhân phẩm” và nhân phẩm phải tốt lắm mới mua được vàng vào thời điểm này!” - anh Nam kể trong vui mừng.
Giá bán vàng miếng SJC được niêm yết tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC “đóng băng” ở mức 76,98 triệu đồng/lượng trong hơn 1 tháng qua |
Không chỉ rất khó mua vàng tại các ngân hàng và Công ty SJC mà tại các cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội, người dân đều rất khó mua được vàng. Cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Cầu Giấy, từ hơn tháng nay đã không còn cảnh người dân xếp hàng mua vàng. Nhân viên tại đây thông báo “thời điểm hiện tại, công ty tạm dừng bán ra nhẫn tròn trơn, vàng miếng SJC, chỉ bán vàng trang sức”.
Tương tự, cửa hàng Bảo Tín Mạnh Hải (trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) cũng thông báo không bán vàng SJC, vàng nhẫn 9999 thì chỉ có loại 1 chỉ.
Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện không còn vàng miếng SJC để bán. Riêng vàng nhẫn 9999 cũng đang “cháy hàng”, rất hiếm nơi đáp ứng được số lượng vàng theo yêu cầu của khách hàng mà chỉ được mua với số lượng hạn chế. Thậm chí có nơi đã cạn nguồn vàng nhẫn, vàng miếng từ cả tháng nay.
Lý giải về việc ngay cả các công ty kinh doanh vàng lớn cũng không có vàng nhẫn 9999 để bán, ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng cho biết: “Không phải đến bây giờ hiện tượng “cháy vàng nhẫn” mới xảy ra, mà nó đã kéo dài âm ỉ trong suốt 3 - 4 tháng nay.
“Hiện nay, các công ty hoạt động kinh doanh vàng đều phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bán. Nếu một ngày họ bán ra 100 lượng thì họ phải chứng minh được 100 lượng đó mua từ đâu. Khi nguồn nguyên liệu đầu vào không có, đương nhiên các doanh nghiệp sẽ không có hàng để sản xuất. Do đó, việc khan hàng tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng là điều dễ hiểu” - vị chuyên gia lý giải.
Nhộn nhịp “chợ mạng”
Trong một diễn khác, khi tìm mua vàng những điểm “chính thống” quá chật vật, có một bộ phận khách hàng lại chọn cách mua - bán vàng trên các diễn đàn hay những hội nhóm trên mạng xã hội. Khảo sát của phóng viên Báo Công Thương trên nhóm Facebook “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian” với 6,2 nghìn thành viên, mỗi ngày có đến hàng trăm bài viết chia sẻ về việc mua - bán vàng với giá thỏa thuận, thậm trí cả việc thuê người đăng ký mua vàng SJC trực tuyến.
Nhóm Facebook “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian” với 6,2 nghìn thành viên, mỗi ngày có đến hàng trăm bài viết chia sẻ về việc mua - bán vàng |
Trao đổi về thực trạng này, ông Trần Duy Phương cho biết, một phần vì khó mua tại các ngân hàng và doanh nghiệp vàng lớn có tên tuổi, còn một lý do khác là mua bán thỏa thuận thì cả người mua lẫn người bán đều được lợi hơn so với giao dịch tại các công ty lớn.
Tuy nhiên, “tôi cho rằng đây là một hình thức mua - bán có rủi ro rất lớn. Bởi không phải ai cũng có kinh nghiệm để phân biệt đâu là vàng miếng SJC thật và đâu là vàng miếng SJC “nhái”. Do đó, có khả năng, người mua sẽ dính “vàng SJC nhái”. Hoặc những người mua vàng nhẫn tròn trơn kiểu trao tay, không có chứng từ hóa đơn, thoạt đầu tưởng vớ được món “hời”, nhưng đến khi đem bán sẽ bị tiệm vàng ép giá do thiếu giấy tờ chứng minh về nguồn gốc. Thậm chí, có những người đến khi đem vàng đi bán mới biết lâu nay mình đang cất trữ vàng giả, vàng kém chất lượng” - vị chuyên gia cho hay.
Cũng chia sẻ quan điểm về diễn biến thị trường vàng thời gian này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế - đánh giá, việc nhiều người không mua được vàng miếng SJC không có gì lạ. Nó đã trở thành hiện tượng trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giá vàng từ mức 92,4 triệu đồng/lượng xuống mức chưa đến 77 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, đây chỉ mới là điều kiện đủ để bình ổn thị trường, yếu tố còn lại đó là khối lượng cung ra thị trường bao nhiêu? Hình ảnh chen lấn, xếp hàng không còn nhưng nhiều người cũng không thể nào mua được vàng online.
“Chính vì người dân có nhu cầu mà không mua được vàng đã dần dần hình thành thị trường chợ đen, buôn bán ngầm xảy ra giữa các tổ chức, cá nhân. Theo quy định, người dân chỉ được phép giao dịch ở những điểm mua bán vàng được nhà nước cấp giấy phép mua bán vàng miếng SJC. Thế nhưng, với mặt bằng giá 77 triệu đồng/lượng, các đơn vị được phép này nếu có vàng miếng SJC cũng sẽ không thể nào bán được bởi thời gian trước, giá mua vào của các đơn vị có thời điểm lên 85 - 90 triệu đồng/lượng, nếu bán với giá 77 triệu đồng/lượng thì coi như lỗ nặng. Vậy nên các công ty dù có vàng cũng sẽ không muốn bán. Một vấn đề khác là chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC giữa các đơn vị bán vàng chính thức và chợ đen lên 2,5 - 3 triệu đồng/lượng liệu có dẫn đến phát sinh tiêu cực hay không?” - ông Hiếu đặt vấn đề.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường chỉ có thể bình ổn nếu nguồn cung dồi dào và kéo giá giảm. Với mức giá 77 triệu đồng/lượng thì khả năng nhu cầu sẽ tăng lên nhiều. Trường hợp cung vàng thoải mái thì sẽ là một khối lượng không hề nhỏ. Điều này sẽ liên quan đến vấn đề tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán.
“Thị trường vàng như một quả bóng, nếu bóp đầu này thì sẽ phình ra ở đầu kia. Vấn đề là lựa chọn cho thị trường vàng phát triển theo cơ chế thị trường, cung cầu quyết định giá hay biện pháp hành chính để kiểm soát nó mà thôi” - vị chuyên gia nêu quan điểm.