Phát huy lợi thế
Ông Lưu Đức Thanh - Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) - cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, số lượng văn bằng bảo hộ NHTT được cấp cho các đặc sản địa phương là 981 văn bằng. Nhìn chung, sau khi các văn bằng bảo hộ được cấp, giá trị của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp được tăng lên, thể hiện ở giá bán trên thị trường của các sản phẩm và hiệu quả khi sử dụng các nhãn hiệu này.
Xây dựng NHTT giúp sản phẩm nông nghiệp vươn xa |
Điển hình như sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn (Hải Dương), 1kg gạo đóng bao bì mang NHTT được bán với giá 27.000 đồng/kg, trong khi gạo cùng loại không được đóng bao bì mang NHTT chỉ bán được với giá 22.000 đồng/kg. Sản phẩm su su Sa Pa (Lào Cai), sau khi được bảo hộ đã được các bạn hàng từ Trung Quốc yêu cầu đóng bao bì và gắn logo NHTT vào trước khi đưa xuất khẩu, đây là tín hiệu rất tích cực vì từ trước đến nay, khách hàng Trung Quốc hầu như chỉ nhập khẩu sản phẩm thô, không cần tem nhãn.
Việc quản lý và phát triển NHTT "Hồ tiêu Chư Sê" đạt hiệu quả cao giúp sản phẩm hồ tiêu của tỉnh Gia Lai xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản phẩm cá thát lát Hậu Giang tăng khoảng 15 - 20% giá trị khi mang nhãn hiệu chứng nhận. Các loại trái cây, rau mang NHTT đều được tiêu thụ hết với giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại không mang nhãn hiệu như nhãn Sông Mã; cam, quýt Phù Yên; rau Mộc Châu…
Nâng cao giá trị
Theo các chuyên gia, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt thì việc bảo hộ NHTT có vai trò rất quan trọng để giúp đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm, dịch vụ, ngăn chặn hành vi sao chép, đồng thời giúp người tiêu dùng phân biệt được đặc điểm, chất lượng của từng sản phẩm.
Đặc biệt, hiện nay những đòi hỏi về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ, phát triển NHTT giữ vai trò sống còn đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, sau khi được bảo hộ NHTT, cần đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý, tiếp tục đầu tư công nghệ mở rộng quy mô sản xuất để phát triển giá trị của các NHTT. Có như vậy, các NHTT nói riêng và các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương nói chung mới tăng sức cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội - cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định có nguy cơ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại kém chất lượng, gắn nhãn hiệu giả mạo hoặc nhãn hiệu bị đánh mất. Việc xây dựng, thực hiện và quản lý NHTT không chỉ nhằm bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, mà còn giúp bảo tồn, phát triển loại hình ngành nghề truyền thống. Bởi khi thương hiệu của sản phẩm làng nghề có vị thế trên thị trường sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định về NHTT và nhãn hiệu chứng nhận để việc bảo hộ có hiệu quả và thực chất hơn. |