Khan hiếm nguồn cung được cho là động lực chính đẩy giá cà phê tăng
Sau khi đạt đỉnh lịch sử mức đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg hồi cuối tháng 4/2024, giá cà phê điều chỉnh giảm dần và có thời điểm chỉ xoay quanh mức 100.000 đồng/kg. Những biến động tăng – giảm trái chiều kéo dài hơn 2 tháng qua và xu hướng tăng giá được nhận định là chủ đạo. Việc này đã giúp kéo giá cà phê nội địa ngày 17/7/2024 lên ngưỡng 127.200 - 128.000 đồng/kg. So với mức 67.400 - 68.200 đồng/kg thời điểm cuối năm ngoái, hiện giá cà phê đã cao gần gấp đôi.
Nhận định nào cho giá cà phê? |
Động lực thúc đẩy giá cà phê tăng mạnh do nguồn cung nội địa khan hiếm và giá cà phê Robusta trên thế giới neo cao. Giá cà phê được nhận định đã phục hồi và đang có dấu hiệu 'nóng' trở lại. Dù giá cà phê tăng trở lại nhưng lượng hàng trong dân không còn nhiều.
“Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng giá cà phê Robusta, bao gồm tình trạng thiếu hụt liên quan đến hạn hán. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt cà phê Arabica do biến đổi khí hậu cũng sẽ đẩy nhu cầu đối với cà phê Robusta lên cao vì các nhà rang xay sẽ cần đa dạng hóa sản phẩm của họ”, Sahra Nguyen, người sáng lập Nguyen Coffee Supply, một nhà rang xay và nhập khẩu cà phê Việt Nam cho hay.
Doanh nghiệp buộc phải thu hẹp biên lợi nhuận để giữ khách
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Danh Hữu - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE (thương hiệu Miss Ede) – cho hay, so với thời điểm cách đây hơn 1 năm, giá cà phê nhân xô đã tăng gấp 3 lần, mức giá này chưa bao gồm chi phí vận chuyển từ trang trại về nhà máy. Đây là mức giá khá cao.
Thương hiệu sôcôla, cacao và cà phê Miss Ede tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan (ảnh Nguyễn Hạnh) |
Giá cà phê và cacao nguyên liệu tăng cao trong khi việc điều chỉnh giá bán sản phẩm thành phẩm của doanh nghiệp là một điều cực kỳ khó khăn. Bởi đây là mặt hàng tiêu dùng, các sản phẩm này dù chỉ có sự điều chỉnh thay đổi giá từ 1.000 – 2.000 đồng/sản phẩm thì cũng làm cho nhu cầu của khách hàng giảm đi.
Cũng theo ông Hoàng Danh Hữu, những biến động giá nguyên liệu với các doanh nghiệp lớn, họ có lượng trữ hàng nguyên liệu lớn, do đó, họ có thể giữ được giá sản phẩm đầu ra khá lâu. Trong khi các doanh nghiệp lớn chưa tăng giá mà các doanh nghiệp nhỏ tăng giá thì khả năng mất khách hàng gồm cả người tiêu dùng và nhà phân phối vào “tay các ông lớn” là hiện hữu.
“Hiện tại, các doanh nghiệp nhỏ trong ngành hàng cà phê, ca cao rất khó tăng giá đầu ra sản phẩm. Các đơn vị nhỏ tăng giá thương là các đơn vị bán hàng online hoặc tỷ lệ độ phủ hàng chưa lớn. Còn đối với các đơn vị dù chưa lớn, nhưng đã xây dựng hệ thống các nhà phân phối, việc thay đổi giá bán đầu ra sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, ông Hoàng Danh Hữu chia sẻ.
Giá cà phê tăng, buộc doanh nghiệp phải mua theo giá thị trường. Vẫn còn một lượng nguyên liệu dự trữ giá thấp cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp cầm cự thêm một thời gian. Với các doanh nghiệp chế biến chuyên sâu, làm thành phẩm như Miss Ede chấp nhận lợi nhuận giảm đi hoặc lỗ để giữ thương hiệu cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
“Tất nhiên, cũng có những doanh nghiệp không chấp nhận lỗ, họ có thể dùng cách bán nguyên liệu đã tồn trữ trước đó và bán ngược ra theo dạng nguyên liệu thì sẽ thu được lợi nhuận cao”, ông Hoàng Danh Hữu cho biết.
Với các khách hàng xuất khẩu, những đơn hàng cũ đã ký kết thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng, nhưng với các đơn hàng mới, ông Hoàng Danh Hữu cho rằng, chắc chắn không thể giữ được mức giá cũ. “Với khách hàng xuất khẩu, biên độ lợi nhuận thấp, chúng tôi có thông báo điều chỉnh giá trước đó. Còn với thị trường nội địa, chúng tôi buộc phải giữ giá”, ông Hoàng Danh Hữu chia sẻ.
Về phản ứng của người tiêu dùng, ông Hoàng Danh Hữu cho hay, với khách hàng xuất khẩu, họ cho biết có nắm được tình hình, tuy nhiên, với mức tăng giá mà phía doanh nghiệp đưa ra thì họ cũng xem xét có tiếp tục nhập khẩu sản phẩm không. Giai đoạn này, các nhà nhập khẩu nước ngoài về sản phẩm thành phẩm sẽ lựa chọn các “ông lớn” trong ngành hơn là các doanh nghiệp nhỏ. Còn tại thị trường nội địa, hiện tại doanh nghiệp chưa điều chỉnh mức giá nên khách hàng cũng chưa phản ứng gì.
Do Miss Ede đi theo dòng cà phê đặc sản, mặc dù thị phần chưa nhiều, nhưng khách hàng vẫn chấp nhận chi trả cao hơn cho dòng sản phẩm này. Vì vậy, dù biên độ lợi nhuận có giảm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đến mức thua lỗ.
"Với thị trường nội địa, doanh nghiệp vẫn xác định giữ giá, giữ khách hàng để giành thị phần trong giai đoạn này. Việc này vừa là rủi ro, vừa là cơ hội cho doanh nghiệp", ông Hữu nói.
Trong khi đó, theo một doanh nghiệp rang xay cà phê lớn tại Gia Lai, giá cà phê liên tục cao khiến dự trữ sản xuất bị kéo giảm, chỉ có thể dự trữ nguyên liệu trong 1 - 1,5 tháng thay vì trong 3 - 4 tháng như trước vì không đủ vốn. Các doanh nghiệp đều phải tăng giá thành phẩm ở biên độ rất lớn để đối phó với giá nguyên liệu tăng cao.
Sẽ là an toàn hơn nếu không theo đuổi ‘phe’ tăng giá
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023/2024 ước giảm 20% so với niên vụ 2022/2023, xuống còn 1,47 triệu tấn, thấp nhất trong 4 năm. Dự báo sản lượng niên vụ 2024/2025 sẽ tiếp tục giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi và tình trạng sâu bệnh khiến diện tích bị thu hẹp dần.
Thị trường hiện nay, với mức giá cà phê ngày càng tăng, để người nông dân bán cà phê cho doanh nghiệp là điều khá khó khăn, bởi họ luôn trông chờ vào câu chuyện giá sẽ tiếp tục tăng. Với các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, họ sẽ rất vất vả trong giai đoạn này.
“Giá cà phê tăng gấp 3, giá ca cao tăng gần gấp 5, theo quan sát của cá nhân tôi là do khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị trên thế giới, FED neo giữ lãi suất ở mức cao,… khiến các khoản đầu tư của Quỹ đầu tư tài chính lớn của thế giới sẽ bị ảnh hưởng, họ giảm đầu tư vào các nước đang phát triển. Dòng tiền sẽ được họ đưa vào các hạng mục có thể đầu tư an toàn hơn và phát sinh lợi nhuận tốt hơn như vàng, đồng tiền điện tử và nông sản, trong đó, có 2 thức uống được sử dụng hàng ngày là cà phê và cacao”, ông Hoàng Danh Hữu nhận định.
Trở lại câu hỏi, mức tăng giá cà phê và ca cao hiện tại có phù hợp với thị trường không? Ông Hoàng Danh Hữu cho rằng, đây là một điều bất hợp lý, bởi với mức tăng cao như hiện nay, không có một nhà sản xuất sản phẩm thành phẩm nào có thể chịu được chi phí này. Thực tế, sẽ không có ai chấp nhận lỗ quá lâu. Do đó, sẽ có sự điều chỉnh giá cà phê và cacao vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Tuy nhiên, khó thể quay trở lại mức giá cũ. Ít nhất phải mất 3 năm thì giá cà phê và ca cao mới có thể quay trở lại mức cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, theo một chuyên gia trong ngành, với tình hình giá đã qua một thời gian dài tăng nóng, giá cà phê robusta và arabica đều đang nằm ở mức cao trong khi không có thông tin gì thêm để thúc đẩy thị trường giữ được đỉnh cao này.
Lượng tồn kho của cả hai thị trường đều đang có xu hướng tăng trở lại sau đợt thu hoạch của Indonesia, Colombia (vụ Mitaca), Brazil. Về ngắn và trung hạn, sẽ là an toàn hơn nếu không theo đuổi ‘phe’ tăng giá.